Lợi và “khuất” như làm du lịch tâm linh

Văn bản số 4008/BTNMT-PC do Bộ trưởng Bộ TN&MT ký để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội khẳng định việc việc giao đất, cho thuê đất tại để thực hiện các  dự án tâm linh như chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính… là có nhiều sai sót.

Lợi và "khuất" như làm du lịch tâm linh

Sai phạm tại các dự án tâm linh

Theo đó, Bộ TN&MT vừa có Văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng ngàn hecta đất tại nhiều địa phương như Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng… thực hiện các dự án tâm linh.

Văn bản này nêu, Khu núi chùa Bái Đính có diện tích 1.005,3 ha đất, được thể hiện trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Ninh Bình đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2006 đến năm 2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 9 quyết định thu hồi diện tích gần 520 ha đất (chiếm 51,5 % so với quy hoạch được duyệt), giao đất cho 3 cơ quan gồm: Sở Thương mại – Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hơn 495 ha để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu núi chùa Bái Đính, giao cho Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An 18,6 ha để xây dựng cơ sở hạ tầng Khu núi chùa Bái Đính và giao cho UBND huyện Gia Viễn hơn 4 ha để mở rộng khu dân cư hiện hữu.

Việc giao đất cho 3 đơn vị như trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; Không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất) – văn bản trả lời đại biểu Quốc hội của Bộ TN&MT nêu.

Bên cạnh đó, các quyết định giao đất cũng chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại) – Bộ TN&MT cho biết.

Tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc, Bộ TN&MT cho biết: Các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung. Trong đó, Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc”, mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại)”

Tại dự án Khu văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc, Bộ TN&MT cho biết, về cơ cấu và hình thức sử dụng đất, Khu văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc là một dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư với diện tích sử dụng đất là 19,9ha. Trong đó diện tích xây dựng công trình tôn giáo, tín ngưỡng là 9,1ha. Sau khi doanh nghiệp xây xong phải bàn giao lại cho Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam và chính quyền địa phương để quản lý, khai thác, vận hành. Số đất còn lại doanh nghiệp sẽ phải thuê đất với Nhà nước và trả tiền thuê đất theo quy định tại Điều 56 của Luật đất đai.

Nhưng đến nay, doanh nghiệp đang hoàn thiện thiết kế dự án theo quy hoạch được duyệt, chưa có hồ sơ xin thuê đất theo quy định nên chưa giao đất cho doanh nghiệp.

Nguồn lực bị lợi dụng

Bộ TN&MT cho biết thêm, tại các dự án triển khai xây dựng khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Bộ đều yêu cầu Chủ đầu tư dừng ngay các hoạt động xây dựng. Đồng thời có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi triển khai dự án tổ chức thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo về Bộ TN&MT…

Có thể thấy, các dự án tâm linh được Bộ TN&MT nêu lên đều không rõ ràng trong mục đích giao đất cho các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng chùa và các công trình tâm linh. Và trở thành lý do được các cơ quan chức năng việc dẫn để giải thích cho việc chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất.

Tất nhiên, các kẽ hở này đã giúp nhiều cá nhân, doanh nghiệp lách luật, đầu tư tiền bạc để xây dựng các công trình kinh doanh du lịch tâm linh. Thực tế, có không ít doanh nghiệp được giao dự án du lịch tâm linh, thì ngoài việc xây dựng các công trình tâm linh, thì còn được ưu ái giao các diện tích đất thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng, vui chơi…

Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá đang ngày càng hiếm. Trong khi đó, các dự án tâm linh trên đều được phê duyệt xây dựng với diện tích lên đến hàng trăm ha, nhưng lại đang thiếu quy cụ thể phân biệt rõ ràng đất dành cho mục đích tâm linh, đất dành cho du lịch và mục tiêu khác để quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất và hiệu quả, xử lý tài chính về đất liên quan…

Ngoài ra, các dự án này đều có sự đan xen giữa vốn đầu tư công và tư. Như tại dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc, tính đến đầu năm 2019, Nhà nước đã phải bỏ ra 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng. Hay tại dự án Tam Chúc – Ba Sao, Nhà nước đã bỏ vốn để hoàn thành các hạng mục về cơ sở hạ tầng, những hạng mục xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa thì vẫn còn dang dở.

Thiếu rõ ràng trong thủ tục cho các dự án tâm linh cũng khiến số tiền thu được từ các dự án này hiện vẫn chưa rõ ràng là được trả về địa phương hay do doanh nghiệp quản lý. Nhưng sẽ là không bất ngờ, khi với sự đan xen giữa đầu tư công và tư ấy, phần lớn các loại tiền thu được này sẽ vào túi doanh nghiệp. Quy định hiện nay hạn chế chính quyền kinh doanh du lịch tâm linh. Nên các dự án du lịch tâm linh, nếu được giao cho doanh nghiệp, cá nhân, thì đương nhiên doanh nghiệp cá nhân ấy là đối tượng thụ hưởng doanh thu.

Thực tế, việc giao hàng nghìn hecta đất – một hình thức sử dụng tài sản công – để đầu tư vào dự án tâm linh mà không rõ cơ chế cho thuê hay thu tiền sử dụng đất thực sự là lãng phí nguồn lực của quốc gia và người dân.

Nguồn: khoahocdoisong.vn