Không cấp visa cho em qua Mỹ cứu chị bị bệnh nan y

Tôi không hiểu nổi cách làm việc của Sở Di Trú Mỹ,” ông Huỳnh Thơ Viện, chồng bà Helen Huỳnh, bệnh nhân ung thư máu ở thời kỳ khẩn cấp tại UCI Medical Center, lắc đầu nói.

Bây giờ, gia đình ông chỉ trông mong vào các vị dân biểu can thiệp.

Chỉ những thùng giấy các-tông thường được người ở Việt Nam dùng đựng hành lý máy bay còn bừa bãi trong phòng khách, ông Viện tiếp: “Đó, hiện giờ trong nhà tôi có tới sáu người cháu của nhà tôi mới qua đây thăm vợ tôi. Vậy mà người cần phải có mặt để cứu mạng vợ tôi thì lại không được cấp giấy phép.”

Tháng Hai năm nay, sau khi khẳng định là bà Helen mắc chứng ung thư máu, các bác sĩ tại City of Hope, một trung tâm chuyên về ung thư lớn tại Mỹ, và tại bệnh viện UCI Medical Center, gởi ngay cho em bà Helen là bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy ở Việt Nam một bộ dụng cụ thử máu.

Bà Thúy tức tốc đem bộ thử máu này đến một bệnh viện ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn, theo chỉ dẫn. Máu bà Thúy được nhanh chóng gởi qua Mỹ để xét nghiệm và các bác sĩ tại đây kết luận rằng tương hợp với máu bà Helen 100%.

Tháng Bảy, Tháng Tám, rồi Tháng Chín.Ba tháng, ba lần, bà Thúy bị tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn bác đơn xin visa khẩn để sang Mỹ hiến tủy cứu chị ruột.

Nói chuyện với nhận báo Người Việt qua điện thoại, bà Thúy cho hay rằng cả ba lần, mỗi lần bà chỉ gặp nhân viên tổng lãnh sự không quá 5 phút.

Bà Helen Huỳnh, người đang chờ phép lạ

“Họ nhìn rất kỹ vào hộ chiếu của tôi và hỏi tôi đã ra nước ngoài bao giờ chưa. Họ không ngó tới giấy chứng nhận của các bác sĩ tại Mỹ. Họ chỉ từ chối.”

Bà nhấn mạnh: “Tôi hỏi là giấy tờ có thiếu sót gì không để tôi bổ túc thì họ chỉ lắc đầu.”

Trong thư bác đơn xin cấp visa, tòa tổng lãnh sự cho hay bà Thúy không cung cấp đủ bằng chứng cho thấy bà sẽ rời Hoa Kỳ sau khi hết hạn lưu trú.

Bà Thúy cho biết vợ chồng bà có hai cơ sở sản xuất sơn tại Việt Nam. Cả hai cơ sở này đều thành công suốt hơn 20 năm nay.

Bà ở với chồng và đứa con bốn tuổi tại Sài Gòn.

Bà thêm: “Từ trước tới giờ tôi không dám đi đâu chơi vì không bỏ việc được một ngày. Tôi phải thường xuyên có mặt tại cơ sở. Bây giờ, vì chị, tôi mới liều xin đi.”

Theo lời bà kể, điều trớ trêu là lần phỏng vấn thứ ba, bà Thúy vào chung phòng với người cháu ruột, không có tài sản gì, xin đi Mỹ du lịch, và người này được chấp nhận dễ dàng.

Trong lúc ấy, ngồi tại nhà ở Garden Grove, thấy vợ bị bệnh nan y, gặp thuốc chữa mà không được chữa, ông Viện thở dài: “Bác sĩ nói chỉ cần khoảng 80% hợp máu là có thể cấy tủy cho vợ tôi rồi. Vậy mà mình nằm trong trường hợp hiếm hoi là 100% tương hợp mà lại phải bó tay, không làm gì được.”

Ông nhớ lại lúc hai người gặp nhau. Năm 1983, lúc ấy, tên bà Helen Huỳnh còn là Nguyễn Thị Hoàng.

“Lúc ấy, tôi 33 tuổi, vợ tôi 26. Tôi trắng tay, vợ tôi cũng nghèo. Cải tạo về, không làm được gì, ngày ngày, tôi phải hái rau dại phụ vào tiền chợ cho vợ”.

Để giúp vợ chồng ông, bố vợ ông hàng ngày hốt cơm thừa trong sở về cho con gái.

“Vợ tôi rửa lại cơm này rồi hâm nóng lên để chúng tôi ăn qua ngày,” ông hồi tưởng. “Tội vợ tôi, nhiều khi xin thuốc xỉa của mẹ cho tôi hút. Mùi vị ngai ngái, rất khó chịu nhưng đó là tấm lòng của vợ tôi.”

Cứ thế, họ nương vào nhau mà sống cho đến lúc ông được đi Mỹ theo diện HO 8 năm 1991.

Sang đây, ông làm đủ mọi công việc.

“Tôi bỏ báo, giao pizza, ủi đồ, cắt chỉ. Tôi không nề hà việc gì để đáp lại những lúc vợ tôi phải cưu mang tôi,” ông tâm sự. “Mà vợ tôi đâu có chịu ở nhà. Đã có lúc vợ tôi đòi đi làm nail, nhưng không đành lòng bỏ đứa con gái út là Tiffany bị bệnh Down nên phải ở nhà coi con.”

Ông tặc lưỡi rồi nói: “Vợ tôi, bao nhiêu năm khổ cực, bây giờ chưa được hưởng gì thì bị chứng bệnh quái ác này và lâm vào hoàn cảnh quái ác này.”

Mấy tháng nay, ông Viện, vừa giải phẫu tay phải xong, còn rất yếu, phải lái xe bằng tay trái vô bệnh viện thăm vợ hàng ngày.

Nói về cách làm việc của nhân viên tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, Luật Sư Darren Chương Nguyễn, chuyên về di trú, giải thích: “Thông thường, nhân viên di trú, trong trường hợp xin visa nhân đạo như thế này, một khi từ chối ai, họ hay cho biết lý do. Tuy nhiên, điều này không hẳn là 100%.”

Nếu muốn biết lý do của họ, người xin visa phải có luật sư vì họ (nhân viên tổng lãnh sự) không nói về hồ sơ riêng cho người ngoài biết, Luật Sư Darren cho hay.

Luật sư nói thêm: “Trong trường hợp nhân đạo này, sự can thiệp của các vị dân cử thường có tác động nhất.”

Cô Yvone, con gái bà Helen, cho biết gia đình cô đã liên lạc với nhiều dân cử, từ tiểu bang đến liên bang rồi.

Trong thông cáo báo chí gởi ra, hai dân biểu liên bang Hoa Kỳ, Alan Lowenthal và Lou Correa, cùng lên tiếng ủng hộ việc bà Thúy xin visa khẩn cấp để sang Mỹ cứu mạng chị mình.

Ông Lowenthal phát biểu: “Tôi đang làm việc với gia đình bà Helen, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và Bộ Nội An để làm sao có được thành công trong việc đưa cô Thúy đến với bà Helen trong thời gian sớm nhất có thể.”

Ông Lou Correa cũng bày tỏ: “Hôm nay, tôi lên tiếng với các nhân viên tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về vấn đề này và nhấn mạnh sự khẩn cầu trong việc cấp visa cho bà (Thúy). Hơn nữa, tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng viện và các nhân viên Bộ Nội An để bảo đảm cơ hội cứu sống bà Helen Huỳnh trong thời gian nhanh nhất.”

Mới cách nay vài tháng, bà Helen còn trông coi con gái út Tiffany bị bệnh, bây giờ, hai con gái bà, Yvone và Sharon, phải thay nhau coi em.

Vừa làm việc, vừa trông coi con mình, hai cô chị thay phiên săn sóc em. “Tôi giữ em tôi vào cuối tuần. Ngày thường thì Tifany ở với em tôi, Sharon,” cô Yvone nói.

Từ hy vọng lớn lao là bà Helen sẽ được lành bệnh để về với gia đình, bây giờ cả nhà bà chỉ còn dám nghĩ đến chuyện không may mà thôi vì bà có thể qua đời bất cứ lúc nào.

Cô Yvone nói: “Cách làm việc của Sở Di Trú Mỹ làm chúng tôi rất thất vọng. Bây giờ, chúng tôi đành phải nghĩ đến chuyện hậu sự cho mẹ tôi thôi. Tôi vừa thành lập một quỹ quyên góp cho mẹ tôi để chuẩn bị đối phó với chuyện rủi ro nhất.”

Theo Báo Người Việt