Hút thuốc trong nhà: Người Việt ngạc nhiên vì phản ứng ‘hà khắc’ của người Hàn

Mới đây một nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc bị chính cộng đồng mạng trong nước trách cứ vì có hai thành viên bị nghi ngờ hút thuốc lá ở trong nhà. Sự “hà khắc” Hàn Quốc một lần nữa khiến người hâm mộ của nhóm nhạc tại Việt Nam cảm thấy khó hiểu và thậm chí là kinh ngạc.

Thật ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề trong con mắt người Hàn không phải ở việc các ca sĩ kia đã hút thuốc, mà là họ đã hút thuốc… ở trong nhà. Hút thuốc không phạm pháp, nhưng hút thuốc trong nhà và ở các khu vực công cộng như tàu điện ngầm, trường học, quán cà phê Internet, thậm chí cả quán bar… bị coi là bất hợp pháp ở Hàn Quốc.

Động thái cấm hút thuốc nơi công cộng của thủ đô Seoul đã được đa số người dân khen ngợi. Theo một cuộc thăm dò thực hiện bởi thành phố này vào tháng 8/2017, tới 90% số người được hỏi đồng ý với chính sách cấm hoàn toàn việc hút thuốc ở nơi công cộng. Tính đến tháng 11/2017, đã có 17.500 khu vực công cộng cấm hút thuốc. Hành vi vi phạm có thể bị phát tới 100.000 won (gần 2 triệu đồng).

Một cột mốc cảnh báo có ghi: “Từ chỗ này trở đi là khu vực cấm hút thuốc” trên đường phố Hàn Quốc (ảnh: Koreaherald).

Xã hội hà khắc vì văn hóa “hận” hay xã hội coi trọng lợi ích tập thể?

Và với người Hàn Quốc, cái gì đã là luật mà vi phạm (kể cả vi phạm luật bất thành văn) thì sẽ bị xã hội lên án gay gắt. Xã hội Hàn Quốc được cho là rất hà khắc và đề cao kỷ luật. Những người am hiểu văn hóa Hàn Quốc cho rằng quốc gia này đã có một lịch sử đau thương bởi chiến tranh, chia cắt và đói nghèo, nên đã hình thành một tính cách “han” (한) âm tiếng Hàn của từ “hận” (恨).

Nhưng một mặt tích cực của “han” là nó khiến người Hàn luôn nỗ lực không ngừng mà chẳng cần tới sự lạc quan. Bởi như Euny Hong nói: “Một dân tộc luôn luôn sống trong hiểm họa biết rằng họ có thể sống sót trong mọi hoàn cảnh”. Nên rất nhiều thành công của những người nổi tiếng ở Hàn Quốc gắn liền với “han”.

Một bên là cố gắng làm tốt việc của mình, không ảnh hưởng tới lợi ích chúng cả tập thể, một bên là nỗi ô nhục của bản thân, của dân tộc. Luôn có hai sự lựa chọn, và người nào chọn đặt lợi ích và sự hưởng thụ của cá nhân lên trên tập thể và dân tộc sẽ bị phán xét. Nói cho cùng, đó cũng có thể là cách họ sinh tồn và vươn lên sau 400 lần bị xâm lược trong 5.000 năm lịch sử: tôn trọng lợi ích tập thể bằng cách tuân thủ luật lệ và các quy ước chung.

Khởi nguyên huyền bí và đức Lễ khiêm cung

Khởi nguyên huyền bí của xứ Triều Tiên từ thời mà loài người còn tồn tại song song với Thần linh được ghi chép lại, cũng thể hiện rõ tinh thần của người Hàn.

Trong cuốn sách Made in Korea của Richard M. Steers có trích dẫn lại sự tích trong một văn tự cổ như thế này: Vào cái thời xa xưa đó, có một con gấu và một con hổ cái cùng sống trong một cái hang. Cả hai cùng cầu xin con trai Đấng toàn năng giáng thế từ thiên thượng là Hwanung cho được đầu thai làm người. Hwanung động lòng trao cho chúng nhành ngải cứu và 20 tép tói, nói “nếu các ngươi ăn những thứ này và không nhìn ánh sáng mặt trời trong 100 ngày, các ngươi sẽ trở thành người”.

Con gấu do nghe theo lời căn dặn mà được toại nguyện, còn con hổ bị trừng phạt vì thể hiện ý muốn độc lập và cái tôi cao. Người Hàn Quốc tin vào các luật lệ, quy ước, lời răn dạy của tiền nhân và các bậc tiền bối, ai chống lại sẽ bị coi là phần tử nguy hiểm cho đại sự, đại nghĩa.

Ở một khía cạnh khác, tôn trọng luật lệ cũng là thể hiện cái đức Lễ của Nho gia, vốn có ảnh hưởng rất lớn đến tận bây giờ trong xã hội Hàn Quốc.

Đã quy định thành luật thì phải cung kính mà thực hành theo, đó không phải là một sự máy móc khô cứng, mà là tinh thần phối hợp vô tư, vô điều kiện vì lợi ích chung. Điều gì đa số thành viên thấy bị tổn thất thì xã hội mới ra quy định thành luật, đã tổn thất cho người khác thì mình phải tránh, đó vừa là là Nhân Nghĩa cũng lại vừa thể hiện cái Lễ cung kính trong đạo làm người.

Ảnh: Useless Tree.

Dễ dãi cho sự vi phạm là đang làm hại chính mình

Quay trở lại việc cấm hút thuốc ở nơi công cộng ở Hàn Quốc, theo khảo sát năm 2015 của thành phố Seoul trên 2.853 công dân, 91% cho biết họ có những trải nghiệm tiêu cực liên quan đến hút thuốc thụ động ở nơi công cộng. Trang Koreaherald cho biết, khói thuốc lá có thể đi xa tới 20 mét và nếu bạn châm một điếu thuốc ở tầng một trong căn hộ, khói sẽ bay khắp tầng năm. Vậy nên đối với đa số người Hàn, hút thuốc là có hại cho cộng đồng, vậy nên nó phải bị cấm, và người dân phải tôn trọng luật này vì sức khỏe và an toàn của người khác.

Thế nên khi ca sĩ một nhóm nhạc “Thần tượng”, vốn là những người nổi tiếng có trách nhiệm dùng hình ảnh của mình để định hướng tốt cho xã hội, lại hút thuốc ở trong nhà, vi phạm luật pháp, thì đó là một điều khó có thể chấp nhận được trong mắt người Hàn.

Nhưng sự nghiêm khắc của người Hàn lại không khiến người hâm mộ Việt Nam lý giải được. Nhiều người hâm mộ nhóm nhạc Hàn Quốc có thành viên hút thuốc đã bênh vực họ và nói cộng đồng mạng Hàn khắt khe một cách vô lý. Trên thực tế, ở Việt Nam, cũng có luật cấm hút thuốc nơi công cộng nhưng chế tài và việc kiểm tra thực hiện hoàn toàn không đủ sức mạnh răn đe, khiến kể cả người hút thuộc thụ động, chịu thiệt thòi từ khói thuốc cũng dễ dãi cho qua đối với những trường hợp vi phạm.

Muốn xã hội có ý thức về lợi ích chung thì mỗi người đều phải ý thức được đúng sai và quyền lợi của mình. Muốn mình được lợi thì chính bản thân phải tuân thủ và giúp nhắc nhở người khác tuân thủ luật lệ đã đề ra. Luật đề ra mà không có sức mạnh và không được ai chú trọng thực hành, thì nó sẽ bị khinh nhờn. Người mà khinh nhờn cái quy định nhỏ, sẽ tiến một bước gần hơn tới việc khinh nhờn những luật lệ lớn. Từ đó xã hội thiếu kỷ cương, thiếu một sự khiêm cung nắn chỉnh, ước thúc quy phạm đạo đức của con người. Thế thì đó có thể là một xã hội phát triển tốt được không?

Nhìn từ một chuyện nhỏ ở tận Hàn Quốc, người phán xét có thể chỉ thấy sự khắc nghiệt của “han”, người nhìn rộng ra lại có thể thấy được một nét văn hóa cung kính, chỉn chu, tôn kính Lễ, Nghĩa, Nhân, Đức. Cái gì tiêu cực quá thì ta thấy để tránh, cái gì tốt đẹp thì nên ca ngợi và thực hành theo. Xét cho cùng, trách người, trị người thì dễ, trách mình, sửa mình mới khó. Đó cũng là cách để tiến lên phía trước khi từng bước bỏ bớt những gánh nặng của sự hẹp hòi, vị kỷ.

Nguồn: dkn.tv