Hỗ trợ tâm lý cho trẻ khi quay lại trường

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang thể hiện nhiều tín hiệu tích cực. Vì thế, tại các địa phương, tuỳ vào tình hình thực tiễn đã bắt đầu có những thông báo về việc cho trẻ quay lại trường học. Sau kỳ nghỉ dài lịch sử gần 03 tháng, nhiều trẻ đã quen nếp sinh hoạt tại gia, nên việc chuẩn bị đi học lại là một thay đổi có thể không dễ dàng với một số học sinh. Một số góc nhìn trên cơ sở lý thuyết tâm lý có thể giúp cha mẹ hiểu hơn về con ở từng lứa tuổi và có những bước hỗ trợ thích hợp.

 

Cả nhà quay lại nhịp sống cũ

Dưới góc độ tâm lý hệ thống, gia đình được xem như những hệ thống vận hành theo cách thức riêng đặc thù. Chính sách giãn cách xã hội trong phòng chống dịch Covid 19 đã ảnh hưởng lớn đến nếp sinh hoạt của mọi gia đình. Con cái nghỉ học, cha mẹ làm việc tại nhà, mọi người hạn chế ra đường… khiến cho cách vận hành của hệ thống gia đình phải thích nghi theo hoàn cảnh mới.

Dịch bệnh tạo cơ hội cho mọi người bỏ bớt các hoạt động bên ngoài để “trở về nhà”. Đó là thời điểm để cha mẹ, con cái gia tăng tương tác và cải thiện mối quan hệ thân thiết. Nhưng đối với một số các gia đình khác, việc có nhiều thời gian hơn để ở cạnh và sinh hoạt cùng nhau lại đưa đến nguy cơ gây ra những sự “va chạm” khó chịu.

Tuy nhiên, dường như khi mọi người vừa kịp làm quen với nhịp sống mới này, thì xã hội lại bắt đầu chuẩn bị phục hồi. Như thế, gia đình đứng trước nguy cơ trải qua một lần thay đổi thói quen sinh hoạt nữa để đáp ứng nhu cầu học tập, kinh doanh, làm việc của các thành viên.

Nếu mọi người trong gia đình không cùng nhau nhìn nhận những mong đợi, nhu cầu của từng người và tìm ra cách thức tích cực để “dàn xếp” những mâu thuẫn có thể đưa đến căng thẳng lâu dài.

Tuổi thiếu nhi – tự lập để đến trường

Một số trẻ có mối quan hệ gắn bó với cha mẹ hoặc người chăm sóc quá chặt chẽ và phụ thuộc sẽ đem đến khó khăn lớn cho việc đi học lại. Điều này đặc biệt thể hiện rõ nơi các trẻ ở lứa tuổi mầm non, thậm chí tiểu học. Các em vốn đã khó thích nghi khi rời xa cha mẹ để đến lớp, lại được củng cố bằng khoảng thời gian dài ở nhà từ sau Tết đến nay. Vì vậy, khi bắt đầu trở lại trường lớp, nhiều trẻ sẽ phản ứng mạnh bằng các hình thức khóc, la hét, thậm chí ói, ăn vạ để tiếp tục ở nhà.

Cha mẹ nên khởi động lại quy trình từng bước giúp con làm quen dần với trường lớp, bạn bè. Điều quan trọng không thể thiếu chính là việc cha mẹ cần thay đổi mối quan hệ gắn bó quá phụ thuộc, giúp con đối diện với sự chia ly khỏi vòng tay gia đình. Bên cạnh đó, hãy tạo lập cho trẻ các kỹ năng phục vụ bản thân như tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, tự thay quần áo… để tự tin khi bước vào môi trường sinh hoạt tại trường lớp cùng bạn bè.

Tuổi thiếu niên – đến trường gặp lại bè bạn

Đối với các em ở lứa tuổi trung học, mối quan hệ bạn bè lại mang ý nghĩa quan trọng. Hoạt động chủ đạo của các em là học tập và giao tiếp với bạn bè. Từ đó, dự báo việc trở lại trường sau thời gian nghỉ dài là cơ hội gặp lại bạn bè, thầy cô. Các em có thể rất háo hức để chia sẻ cùng nhau những sự kiện, hoạt động đã trải qua trong thời gian nghỉ tránh dịch bệnh ở nhà.

Tuy nhiên, nhiều em do thói quen sử dụng điện thoại, internet kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến quá trình học tập. Cha mẹ cần nhắc nhở các em xây dựng thời gian biểu phù hợp để tránh các hiện tượng thức khuya, ăn uống không đúng bữa. Như thế, khi đi học lại, các em sẽ dễ dàng bắt nhịp sinh hoạt học tập như trước và có đủ sức khoẻ, tinh thần tốt để đến trường.

Ngoài các yếu tố về tâm lý hỗ trợ trẻ khi đi học lại, phụ huynh cũng cần chú ý đến các biện pháp bảo vệ sức khoẻ trẻ khi đến trường. Nhiều biện pháp cụ thể đã được các cơ quan chức năng phổ biến rộng rãi. Việc nhắc nhở trẻ về nguy cơ của dịch bệnh và nghiêm túc thực hiện quy định như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách… là điều cần thiết trong thời điểm hiện nay.  Phụ huynh cũng nên hướng dẫn trẻ thông báo với thầy cô ngay khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, mệt mỏi… để được hỗ trợ.

Chuyên gia tâm lý

Vương Nguyễn Toàn Thiện

Đơn vị Tâm lý – BV Nhi đồng Thành phố

Nguồn: tcsuckhoe.com