Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực có ý nghĩa thế nào với Việt Nam

Theo các chuyên gia từ Đại học RMIT, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ tác động đáng kể lên các lĩnh vực bền vững, hỗ trợ thể chế và phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Cơ hội mới cho Việt Nam trong duy trì phát triển kinh tế

Tiến sĩ Erhan Atay, giảng viên cấp cao ngành Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT, cho biết cùng với việc thiết lập các tiêu chuẩn chung cho thương mại, quy tắc xuất xứ hàng hoá giao dịch thương mại, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử, RCEP được kỳ vọng sẽ loại bỏ các rào cản thương mại và thuế quan.

Dù đại dịch COVID-19 tạo ra những thách thức và gián đoạn nghiêm trọng cho các nền kinh tế, Tiến sĩ Erhan Atay tin rằng “RCEP có thể mang đến cơ hội quan trọng cho các nước thành viên, giúp họ tăng cường xuất khẩu và hiện đại hóa các tiêu chuẩn”.

RCEP còn có thể là nguồn động lực giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận với nguồn khách hàng đa dạng trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách tham gia vào mạng lưới thương mại điện tử trong khu vực.

(Từ trái qua phải) Chuyên gia và giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT – Tiến sĩ Erhan Atay, Tiến sĩ Santiago Velasquez và Tiến sĩ Đinh Khương Duy

Tiến sĩ Erhan Atay cho biết: “Thương mại điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số mới sẽ xóa bỏ đường biên giới và cho doanh nghiệp nhỏ cơ hội tiếp cận với khách hàng mới trên toàn cầu. Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng lợi ích của thương mại điện tử để tiếp cận với các quốc gia thành viên thuộc RCEP. Nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm kỹ thuật số, mặt hàng viễn thông và nông nghiệp có thể tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận với tất cả khách hang thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhu cầu với các mặt hàng điện tử, dầu thô, dệt may, giày dép và nội thất ở Úc tang cao cũng có thể đem đến cơ hội mới cho Việt Nam”.

“RCEP còn có thể giúp doanh nghiệp Việt nhập khẩu nguyên liệu thô cũng như nguyên liệu đầu vào trung gian hoặc bán thành phẩm để sản xuất với giá thấp hơn so với giai đoạn trước khi tham gia RCEP vì hầu hết nguyên liệu nhập khẩu được sử dụng để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu”, Tiến sĩ Atay chia sẻ thêm.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước RCEP, Tiến sĩ Atay nhấn mạnh vào những chính sách và hướng dẫn cụ thể nhằm giúp Việt Nam củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

“DNVVN nên tập trung vào thương mại điện tử, vào các thị trường nhỏ và ngách tìm kiếm những sản phẩm mà các nền công nghiệp Việt có thể cung cấp, đồng thời trau dồi kiến ​​thức và chuyên môn về mạng lưới thương mại điện tử, các quy định về quản lý chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế và các chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu đối với các thị trường mục tiêu”, ông chia sẻ.

Thách thức tồn tại trong cuộc cạnh tranh gay gắt đối với doanh nghiệp Việt

Giảng viên ngành Kinh doanh quốc tế Tiến sĩ Đinh Khương Duy nhận định rằng, bên cạnh các cơ hội, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng khi sản phẩm nước ngoài có thể thâm nhập vào thị trường nội địa dễ dàng hơn trước đây,

“Ngoài ra, trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Việt Nam đang thực hiện cam kết tự do hóa hơn nữa lĩnh vực thương mại dịch vụ. Do đó, áp lực cạnh tranh sẽ không chỉ giới hạn ở lĩnh vực sản xuất mà sẽ mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ do điều kiện tiếp cận thị trường được nâng cao”, Tiến sĩ Duy chia sẻ.

Là một trong mười lăm nước thành viên thuộc RCEP, hiệp định sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tận dụng việc giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, đồng nghĩa với việc mức độ bảo hộ hàng hóa trong giao dịch thương mại cũng sẽ giảm xuống đáng kể. Tiến sĩ Duy lấy ví dụ từ “Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) xóa bỏ thuế quan với nhiều sản phẩm ô tô khác nhau từ năm 2018 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng cắt giảm thuế quan thuộc mảng này một cách đáng kể”.

Tiến sĩ Duy bổ sung thêm rằng, “hội nhập khu vực càng sâu rộng đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải thích ứng, đổi mới và tận dụng các cơ hội từ thị trường mới cũng như quan hệ đối tác tiềm năng với doanh nghiệp nước ngoài, nếu không sẽ khó có thể trụ lại trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt này”.

Việt Nam nên làm gì trong những năm tới?

Chính phủ Việt Nam vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai RCEP nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan tổ chức liên quan, quyết định các biện pháp chỉ đạo và điều hành liên quan, và các biện pháp khác để thực hiện thỏa thuận này một cách đầy đủ và hiệu quả.

Một số cải tiến cần được thực hiện ở Việt Nam trong những năm tới.

Tiến sĩ Santiago Velasquez, giảng viên ngành Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT, cho rằng Việt Nam nên tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao hơn bên cạnh việc duy trì kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu thô.

Tiến sĩ Velasquez chia sẻ: “Với tư cách là thành viên chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam sẽ thu hút các hiệp định thương mại tự do FTA – cả song và đa phương – nhiều hơn nữa vì các nước khác sẽ có xu hướng đảm bảo dòng chảy của nguyên liệu thô và sản phẩm tiêu dùng”.

“Việt Nam sẽ tiếp tục tìm thấy cơ hội từ hàng hoá và các ngành sản xuất chính. Tuy nhiên, nỗ lực sinh lợi cao nhất sẽ đến từ việc sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn”, Tiến sĩ Velasquez giải thích.

Bằng cách nâng cao ứng dụng công nghệ và trình độ lao động, Việt Nam sẽ có thể xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn mà vẫn duy trì kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp nguyên liệu thô. Nhờ đó, các sản phẩm có giá trị cao sẽ có tính cạnh tranh cao về sản xuất, vận chuyển và chi phí nhập khẩu được giảm bớt nhờ các FTA, Tiến sĩ Velasquez bổ sung thêm.

Chính phủ Việt Nam cũng cần tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế và tập trung cải cách thể chế. Hệ thống ngân hàng mạnh mẽ và môi trường kinh doanh tốt hơn sẽ tạo thuận lợi cho việc giao thương đồng thời cho phép doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại.

Trong khi cải cách thể chế có thể mất nhiều thập kỷ và các khuyến nghị ngắn hạn cũng cần thời gian, vấn đề đặt ra là quản lý thế nào để triển khai hiệp định một cách hiệu quả.

Tiến sĩ Duy cho biết việc cải thiện phổ biến thông tin cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN, nên là ưu tiên của chính phủ.

Ông chia sẻ: “Doanh nghiệp cần được thông tin đầy đủ về RCEP từ góc độ kinh doanh: cơ hội thị trường mới, thách thức có thể gặp phải, hỗ trợ từ chính phủ và những gì họ cần làm để hưởng lợi từ các FTA này”.

“Ngoài việc phổ biến thông tin, chính phủ cần quan tâm hơn đến các hoạt động cải thiện xây dựng năng lực giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. Các hoạt động nâng cao xây dựng năng lực cần giúp doanh nghiệp định vị trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đồng thời giúp họ biết cách duy trì vị trí chiến lược đó và từng bước đi lên trong chuỗi giá trị”, Tiến sĩ Duy chia sẻ thêm.

 

M.T