Hạ thủy thành công đường ống cung cấp nước sạch đi qua lòng sông

Nhà máy nước mặt Sông Đuống, dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ thi công tất cả các hạng mục công trình để kịp khánh thành và cấp nước cho người dân thủ đô vào đúng dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô Hà Nội 10/10 năm nay.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống đang gấp rút hoàn thành tiến độ

3 tuyến ống HDPE dẫn nước đường kính 1000mm, với tổng chiều dài hơn 1000m vừa được hạ thủy thành công xuống lòng sông Đuống tại khu vực Km49+500 thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Đây là một trong những hạng mục thi công quan trọng nhất của giai đoạn 1. Theo thiết kế, các tuyến ống dẫn nước từ nhà máy nước sạch tới khu vực dân cư phải vượt qua 3 con sông, trong đó có 2 sông lớn là sông Hồng và sông Đuống, đều được thi công bằng phương pháp đánh chìm qua sông.

Hiện tại, đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật đánh chìm đường ống cỡ lớn và với quy mô lớn nhất, đoạn đánh chìm qua lòng sông Đuống có chiều dài trên 200m và qua lòng sông Hồng dài trên 500m. Toàn bộ quá trình thi công được tiến hành hết sức cẩn trọng, chính xác, đảm bảo trong mọi điều kiện và địa hình, đường ống không thể bị vỡ hoặc rò rỉ. Trước đó nhiều tháng, các đơn vị thi công đã tiến hành hút cát, nạo vét lòng sông, độ sâu tính từ mặt nước xuống vị trí đặt ống khoảng 20m.

Bà Đỗ Thị Kim Liên – Chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt Sông Đuống cam kết đúng ngày 10/10 người dân trong vùng đường ống đi qua sẽ được sử dụng nước sạch

Bà Đỗ Thị Kim Liên – Chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt Sông Đuống cho biết, công trình trọng điểm của Hà Nội sẽ được hoàn thành, chào mừng kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10. Khi đi vào vận hành, nhà máy này sẽ đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội và dần thay thế nguồn nước ngầm đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng (225 triệu đô la Mỹ). Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm, đến năm 2025 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, và đạt công suất 900.000 m3/ ngày đêm đến năm 2030.

 

Theo Thế Giới Tiếp Thị