Hà Nội từng có Tượng Nữ thần Tự do trên Tháp Rùa

Tháp Rùa được xây dựng vào khoảng năm 1878 trên Gò Rùa. Tại đây đã từng có một tượng Nữ thần tự do.

Một số cuốn sách viết rằng người xây tháp là ông bá hộ Kim, người làng Vũ Thạch (nay là phố Hàng Khay, một phần phố Bà Triệu và Hai Bà Trưng), nhưng các nghiên cứu sau này cho thấy đây chỉ là một giả thuyết.
Ngày 15.3.1887, tại Trường Thi (nơi nhà Nguyễn tổ chức kỳ thi Hương ở Bắc kỳ, nay là Thư viện Quốc gia, phố Tràng Thi) lần đầu tiên diễn ra Triển lãm kỹ nghệ Hà Nội do Thống sứ Bắc kỳ bảo trợ. Việc tổ chức triển lãm nhằm khuếch trương sức mạnh cũng như khoa học công nghệ của nước Pháp đồng thời nhằm “khai hóa văn minh cho dân chúng An Nam”.
Nhân sự kiện này, nhà điêu khắc người Pháp Frédéric Augustin Bartholdi, tác giả tượng Nữ thần Tự do đặt tại TP.New York (Mỹ), đã gửi phiên bản tỷ lệ bằng 1/16 tượng gốc đến trưng bày. Tượng được đặt tại trung tâm hội chợ để mọi người dễ dàng nhìn thấy.
Hồ Gươm ngày nay
Kết thúc triển lãm, tượng được tặng cho TP.Hà Nội. Sau đó, nhân khánh thành Nhà Bắc kỳ tương tế (Fratermite Tonkinoise) ở phố Mã Mây, người ta đưa tượng đến đặt tại đây.
Sau khi xây dựng khu hành chính phía đông hồ Gươm gồm: tòa đốc lý, bưu điện, ngân hàng và kho bạc, chính quyền cho xây dựng vườn hoa giữa khu vực này gọi là Bốn tòa (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ), hội đồng thành phố họp và quyết định đưa tượng Nữ thần Tự do đặt ở đây. Và Nữ thần Tự do là tượng đầu tiên đặt ở nơi công cộng.
Vì phần dưới tượng trang phục là váy nên người Hà Nội gọi là đây là tượng “Bà đầm xòe”. Dù mang tên Nữ thần Tự do, biểu tượng cho quyền tự do của con người, song trớ trêu thay, ngay dưới chân tượng đài, thực dân Pháp đã chém đầu Đội Văn, một người VN yêu nước tham gia phong trào Cần vương.
Tháng 11.1886, Tổng trú sứ Paul Bert chết vì kiết lỵ, chính phủ Pháp quyết định cho đúc tượng ghi công ông này với dân bản xứ. Tiền đúc tượng một phần lấy từ công quỹ, vua Đồng Khánh góp 1.000 đồng, vua này còn cho Nha Kinh lược Bắc kỳ thông tin đến các quan lại hàng tỉnh, hàng phủ xuống tận hàng huyện bắt dân chúng đóng góp. Tượng Paul Bert to lớn xòe tay che chở cho đứa bé còi cọc, với ý nghĩa An Nam nằm dưới sự bảo hộ của Pháp.
Tượng Paul Bert đúc bằng đồng ở Pháp rồi chuyển sang. Đá xây bệ cũng mang từ quê của tổng trú sứ (vùng Jura) qua. Chính quyền cho đặt tượng Paul Bert ngay cạnh tượng Nữ thần Tự do.
Ngày 11.7.1890, hội đồng thành phố tổ chức khánh thành tượng, đổi tên vườn hoa Bốn tòa thành vườn hoa Paul Bert. Khi chính quyền loay hoay tìm địa điểm mới đặt tượng “Bà đầm xòe” thì nhiều ý kiến đưa ra. Có người gợi ý dựng ở Bãi Dừa (nay là đài phun nước ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) nhưng bị bác.
Người khác hiến kế đặt lên nóc Tháp Rùa mới đẹp. Báo Tương lai Bắc kỳ (L’Avenir du Tonkin), tờ báo của chính quyền bảo hộ đã nhạo báng ý tưởng này: “Tượng Nữ thần Tự do ở trên nóc ngôi chùa đó là sự thắng lợi lớn của ánh sáng đối với chính sách ngu dân”.
Bất chấp những ý kiến can ngăn, năm 1891, chính quyền vẫn cho đặt “Bà đầm xòe” ở vị trí này, mặt tượng hướng về vườn hoa Paul Bert. Sự ngang ngược đó bị các nhà nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Bắc kỳ phản đối nên năm 1896, chính quyền chuyển tượng “Bà đầm xòe” ra vườn hoa Neyret (nay là vườn hoa Cửa Nam).
Tượng Nữ thần Tự do tồn tại ở vị trí này đến tháng 7.1945 thì bị ông Trần Văn Lai, Thị trưởng Hà Nội trong chính phủ Trần Trọng Kim, ký lệnh giật đổ. Ngày 1.8.1945, “Bà đầm xòe” bị quần chúng kéo đổ, người ta đưa vào kho.
Làng đúc đồng Ngũ Xã có ý xin chính quyền số đồng này để đúc một pho tượng Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen 96 cánh lớn nhất VN. Nhưng vì không đủ đồng nên giới Phật giáo Hà Nội đã đứng ra quyên góp khắp nơi, đến năm 1953 việc đúc tượng Phật A Di Đà mới bắt đầu và trong năm này tượng hoàn thành, cao 3,95 m, nặng 16 tấn.
Theo Báo Thanh Niên