Hà Nội trong báo động đỏ về ô nhiễm không khí: Bác sĩ tiết lộ khẩu trang chuẩn chống bụi người dân nên dùng

Những ngày qua, chỉ số chất lượng không khí AQI tại Hà Nội ở mức báo động màu đỏ. Điều này, khiến không ít người dân bày tỏ sự lo lắng, không biết phải bảo vệ mình khỏi không khí ô nhiễm như thế nào…

Trong các ngày 15 và 16/9, nồng độ bụi trong không khí tại Hà Nội  ở mức cao. Ô nhiễm bụi xuất hiện ở nhiều khu vực, đặc biệt vào đầu giờ sáng.

Theo ghi nhận của ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAM Air, hơn 40 điểm đo của Hà Nội vào lúc 8h sáng ngày 15/9 đều có chỉ số chất lượng không khí AQI từ 150-170, thuộc nhóm màu đỏ (thang 4 trong 6 thang bậc đo chất lượng không khí theo cách tính của Mỹ).

Cũng trong sáng 18/9, nồng độ bụi PM 2.5 tại Hà Nội ở mức báo động, chỉ số chất lượng không khí xấu liên tục được các trạm quan trắc ghi nhận nhiều ngày qua. Thông tin này khiến nhiều người dân sinh sống ở Thủ đô Hà Nội bày tỏ sự lo lắng về không khí ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Trước vấn đề này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Hồng, trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, bệnh viện Phổi Trung ương về biểu hiện khi mắc các bệnh lý liên quan đến ô nhiễm không khí, cũng như hướng dẫn chọn khẩu trang đảm bảo chống được không khí ô nhiễm.

Sức khỏe - Hà Nội trong báo động đỏ về ô nhiễm không khí: Bác sĩ tiết lộ khẩu trang chuẩn chống bụi người dân nên dùng

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Hồng, trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp trao đổi với PV.

Thưa bác sĩ, thời gian gần đây người dân sinh sống tại Hà Nội bày tỏ sự lo lắng chỉ số chất lượng không khí AQI tại Hà Nội ở mức báo động màu đỏ. Vậy, ô nhiễm không khí, khói bụi ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người?

Trước hết, phải hiểu bụi là những hạt nhỏ, lơ lửng trong không khí. Nó sẽ bị gió cuốn đi, có nhiều kích cỡ, kích cỡ của bụi bình thường theo phân loại của quốc tế, PM 10 (tức là 10micromet), PM 1… Có loại bụi rất nguy hiểm đó là bụi dưới 0,1 nanomet (gọi là bụi nano), đây là bụi nguy hiểm nhất xâm nhập rất sâu.

Trong hệ thống cơ thể của con người, đường hô hấp là đường lưu thông không khí từ môi trường vào để trao đổi khí… Có những hạt bụi có kích lớn lớn thì có hệ thống lọc khó có thể xâm nhập vào phế quản, nhưng có những loại hạt bụi nhỏ dưới 10 micromet thì có thể xâm nhập vào phế quản, có thể gây ra các bệnh lý như ho, sổ mũi…

Như vậy, trong thời gian qua, môi trường ở Hà Nội rất bụi, chỉ số quan trắc AQI trên 170 như vậy là ở báo động đỏ.

Theo bác sĩ, các bệnh lý mà người dân có thể gặp phải khi ô nhiễm không khí, khói bụi là gì?

Tùy phản ứng nhạy cảm, mạnh hay yếu của cơ thể mà gây ra các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung nhất đó là hắt hơi, sổ mũi… các vấn đề tim mạch, các vấn đề phổi mãn tính…

Thời gian khoảng 1 tuần trở lại đây, phía bệnh viện đã tiếp nhận bao nhiêu trường hợp bệnh nhân điều trị các bệnh lý về hô hấp? Đặc biệt là ô nhiễm không khí?

Bệnh nhân có phải do ô nhiễm không khí trong thời gian này nhập viện hay không thì chúng tôi chưa khẳng định. Nhưng, trong tuần qua số lượng bệnh nhân nhập bệnh viện Phổi trung ương dù không tăng đột biến so với tuần trước, nhưng có một chỉ số đáng lưu ý là các bệnh nhân nhập viện mắc bệnh phổi mãn tính đông so với những tuần trước.

Hiện nay, nhiều người dân đang sử dụng nhiều loại khẩu trang như khẩu trang may bằng vải, khẩu trang lớp mỏng trắng xanh bán tại một số cửa hàng tạp hoá, hiệu thuốc… Liệu những loại khẩu trang này có an toàn cho người sử dụng?

Bình thường, người dân sẽ sử dụng rất nhiều loại khẩu trang khác nhau. Khẩu trang y tế chỉ sử dụng trong y tế, còn đi ra đường không có tác dụng.

Để ra đường, tránh được ô nhiễm như tôi vừa phân tích thì kích thước bụi khác nhau, các hoạt chất gây bụi khác nhau thì sẽ có các loại khẩu trang phần nào ngăn cản được những hạt bụi đó.

Như vậy, khẩu trang khuyến cáo nên dùng hiện nay vẫn là khẩu trang than hoạt tính. Khẩu trang hoạt tính có 3 lớp: Lớp thứ nhất chống bụi có kích thước lớn, lớp thứ hai than hoạt tính để trung hoà các chất… Với môi trường ô nhiễm, nếu đi liên tục ngoài đường thì nên thay khẩu trang 2 tiếng/1 lần. Bởi, lượng than hoạt tính trong khẩu trang rất ít, nên cần thay liên tục.

Những loại khẩu trang than hoạt tính không đắt lắm, chỉ khoảng 100-200 nghìn đồng 1 hộp khoảng 100 chiếc, màu xám đen, phải được bộ Y tế cấp phép thì mới đủ tiêu chuẩn.

Sức khỏe - Hà Nội trong báo động đỏ về ô nhiễm không khí: Bác sĩ tiết lộ khẩu trang chuẩn chống bụi người dân nên dùng (Hình 2).

Bác sĩ Hồng cho biết đây là loại khẩu trang đặc chủng, ngăn cản bụi tốt.

Bên cạnh đó, còn một loại khẩu trang đặc chủng, ngăn cản bụi dưới 0,2 micromet, chỉ dùng trong phòng chống dịch, nguy cơ lây nhiễm…

Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân tránh bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm thời gian gần đây?

Đầu tiên, người dân nên biết sử dụng khẩu trang, đồ bảo hộ đúng cách, sống trong môi trường xung quanh có hồ nước, cây cối.

Theo dõi các quan trắc môi trường thông báo hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu chỉ số quan trắc ở màu cam trên 150 thì nên hạn chế ra đường.

Khuyến cáo người già và trẻ em, những người mắc bệnh mãn tính không nên đi ra ngoài đường. Bởi, rất dễ bị kích ứng và dễ bị gây bệnh, đặc biệt các bệnh về hô hấp. Như vậy, mọi người nên cân nhắc khi đi ra ngoài trong thời điểm bụi bặm nhất.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Nguồn: nguoiduatin.vn

https://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-trong-bao-dong-do-ve-o-nhiem-khong-khi-bac-si-tiet-lo-khau-trang-chuan-chong-bui-nguoi-dan-nen-dung-a449493.html