Giấy tờ giả : Tấp nập mua bán

Công nghệ làm giấy tờ giả ngày càng tinh vi khiến nhiều người sập bẫy. Không ít người sẵn sàng môi giới cho những thương vụ làm giả giấy tờ nhanh – tiện – lời

Gần hết giờ làm việc buổi chiều, một người phụ nữ bịt khẩu trang, vội vội vàng vàng cầm bộ hồ sơ mua – bán, sang nhượng nhà, đất đến Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân (quận 5, TP HCM) yêu cầu làm thủ tục công chứng giao dịch. Quan sát camera, ông Hoàng Xuân Ngụ (trưởng văn phòng) thấy người phụ nữ này có vẻ khả nghi nên nghi ngờ giấy tờ khách hàng cung cấp có vấn đề.

Bị công chứng phát hiện

Đề phòng công chứng nhầm giấy tờ giả, ông Hoàng Xuân Ngụ yêu cầu nhân viên đưa bộ hồ sơ để kiểm tra trực tiếp. Bằng kinh nghiệm lâu năm, ông nhận thấy CMND của người phụ nữ nộp vào mang tên Nguyễn Thị Hồng Cúc (SN 1974) có màu tươi hơn những CMND thông thường khác. Không chỉ vậy, sổ hộ khẩu của bên bán không có số; chữ ký trên giấy xác nhận độc thân không rõ nét, dấu bị nhòe; người mang giấy tờ đến còn xé gần rách đôi tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hòng che mắt đơn vị công chứng. Khi ông Ngụ mời khách hàng vào làm rõ thêm thì người phụ nữ bỏ chạy nhưng vẫn bị công an phường bắt giữ. “Cầm giấy tờ giả nên người phụ nữ này rất sợ bị phát hiện, cứ lấm la lấm lét, thúc giục nhân viên công chứng làm thật nhanh. Chính cử chỉ, thái độ như vậy đã tố cáo việc làm gian dối của bà ta” – ông Ngụ kể lại.

 

giay-to-gia--tap-nap-mua-ban
Người phụ nữ này mang giấy tờ giả đến Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân làm thủ tục chuyển nhượng. (Ảnh do văn phòng công chứng cung cấp)

Theo ông Hoàng Xuân Ngụ, “chiêu thức” làm giả mạo giấy tờ của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi. Thay vì chỉ làm giả thông tin của người giao dịch trên sổ hộ khẩu, bọn lừa đảo làm giả cả cuốn sổ, bao gồm chủ hộ, các thành viên trong gia đình… để qua mặt phòng công chứng.

Đường đi quanh co

Nhân viên Phòng Tư pháp của UBND quận Gò Vấp, TP HCM đã tiếp nhận một hồ sơ sao y bản chính bằng tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh của Trường ĐH Văn Lang mang tên Hồ Ngọc Hiền, cấp ngày 12-7-2012. Qua kiểm tra, nhân viên phòng tư pháp xác định bằng ĐH của Hiền là bằng giả nên báo công an. Ngay lập tức, cơ quan điều tra lập biên bản phạm tội quả tang và đưa Nguyễn Văn Phương (ngụ tỉnh Bình Dương, nhân viên ngân hàng) – người trực tiếp mang bộ hồ sơ đi chứng thực – về trụ sở làm việc.

Theo lời khai của Nguyễn Văn Phương, cuối tháng 8-2014, Nguyễn Xuân Dương đến gặp và nhờ Phương làm giả bằng tốt nghiệp ĐH mang tên Hồ Ngọc Hiền. Sau đó, Phương nhờ lại Nguyễn Đăng Gia Nghĩa (ngụ quận Gò Vấp, làm nghề thiết kế đồ họa). Hai bên ngã giá 6,5 triệu đồng. Thấy giá quá rẻ, Dương không ngần ngại giao tiền và thông tin cá nhân để Phương thực hiện. Gần 1 tháng sau, Phương nhận hàng từ Nghĩa rồi đem sao y, chứng thực 10 bản photocopy thì bị phát hiện, bắt giữ.

Nguyễn Đăng Gia Nghĩa lại khai đã nhờ Trần Văn Thịnh (ngụ tỉnh Đồng Nai, làm nghề buôn bán cây cảnh) tìm người có nhu cầu làm giả các loại bằng tốt nghiệp. Thịnh ra giá 1 triệu đồng/bằng ĐH; 1,2 triệu đồng/bằng ĐH có bảng điểm;  400.000 đồng/bằng tốt nghiệp THPT. Để kiếm thêm hoa hồng, Nghĩa báo giá cho khách hàng như sau: bằng ĐH giả có giá từ 3,5-5,5 triệu đồng/bằng; bằng THPT là 2 triệu đồng/bằng. Công việc làm ăn ngày càng khấm khá, chưa đầy 1 năm, Nghĩa đã giúp Thịnh tiêu thụ trót lọt 12 bằng giả các loại. Trong khi thực tế, Thịnh cũng chỉ là khâu trung gian, chuyên nhận bằng giả từ một “đại lý” rồi bán lại kiếm lời.

Giám đốc làm “cò”

Công an TP HCM từng phát hiện Đặng Tiến Đức, Giám đốc Công ty CP Thiết kế Tư vấn Điền Vương, làm giấy phép mở nhà hàng karaoke cho ông L.V.T với giá 450 triệu đồng. Do loại hình kinh doanh karaoke bị chính quyền TP ngưng cấp phép trong khi biết ông L.V.T muốn mở cơ sở để làm ăn, Đức quảng cáo mình có thể chạy được giấy phép thật. Hay tin Trần Phi Long (ngụ quận 7, TP HCM, làm nghề cơ khí) có ê-kíp “lo” vụ này nên Đức tìm Long đặt vấn đề. Long ra giá 350 triệu đồng, xong giấy tờ trong 1-3 tháng và được Đức và ông L.V.T đồng ý. Sau đó, Long chuyển vụ này cho Trần Văn Tuyền (ngụ tỉnh Bình Phước, làm nông) lo liệu và 20 ngày sau thì ông L.V.T được Tuyền giao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhà hàng karaoke Thanh Liễu do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp. Tiện đà, Đức nhờ nhóm Long – Tuyền “xin” giấy phép kinh doanh và con dấu do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP HCM (nay là Sở Văn hóa – Thể thao) cấp. Nhận thấy 2 giấy phép có vấn đề, ông L.V.T tố cáo với công an hành vi lừa đảo của Đặng Tiến Đức. Từ mắt xích Đặng Tiến Đức, Công an TP triệt phá đường dây làm giấy tờ giả của Trần Phi Long và Trần Văn Tuyền.

Trần Ngọc Đức (Giám đốc Công ty TNHH Bình Minh) cũng làm trung gian giữa Trần Phi Long với ông Nguyễn Quang Bình (ngụ quận Tân Bình, TP HCM). Đức nhận của ông Bình 500 triệu đồng rồi chuyển cho Long gần 400 triệu đồng để làm giấy phép kinh doanh karaoke “dởm”. Đáng chú ý, trong đường dây này còn có Hoàng Thu Nguyệt (SN 1977, là giáo viên lâu năm ở tỉnh Bình Phước). Nguyệt đã nhận 61 triệu đồng từ nhóm Trần Phi Long để làm giả 3 bộ giấy phép karaoke và 5 giấy phép lái xe rồi thuê đối tượng khác làm giả giấy tờ để hưởng tiền “cò”.

Kỳ tới: Bị người thân lừa

 

Chi 16 triệu đồng, lừa vay 13 tỉ đồng

Làm ăn thua lỗ, bị chủ nợ “dí” nên Phạm Văn Trung (SN 1982; ngụ quận 1, TP HCM) tính kế dùng giấy tờ nhà, đất giả để cầm cố vay tiền. Qua 1 người đàn ông chuyên làm giấy tờ giả, Trung chi 16 triệu đồng thuê ông ta làm giả 3 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất do vợ Trung là Nguyễn Hồng Minh Trang (SN 1981, ngụ quận 1) đứng tên kèm thông báo nộp thuế trước bạ và tờ khai lệ phí trước bạ có dấu của cơ quan thuế. Sau đó, Trung mang 5 giấy tờ nhà, đất (trong đó có 3 giấy giả trên) đến gặp ông Lưu Văn Minh (ngụ quận 5, TP HCM) hỏi vay tiền. Ông Minh cho Trung vay 13 tỉ đồng.

Đến lúc ông Minh yêu cầu 2 bên đến văn phòng công chứng làm hợp đồng vay tiền, vợ chồng Trung mới thú nhận 3 trong số 5 giấy tờ nhà, đất là giả. Trung – Trang cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

 

Theo NLĐO