Đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài: Kết nối bền vững chuỗi đứt gãy

200 doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu hàng hóa uy tín của Việt Nam từ các địa phương như An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Lạng Sơn, Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Đồng Tháp đã được Bộ Công Thương hỗ trợ kết nối bán hàng vào các Tập đoàn phân phối lớn như Walmart, Aeon, Central Retail, Lotte, Mega Market… nhằm góp phần tìm đầu ra ổn định ở cả hệ thống phân phối trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Xây dựng chuỗi cung ứng ổn định trong dịch bệnh

Kết nối doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam vào các kênh phân phối có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là một trong những hoạt động được Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai thời gian qua. Thông qua các hoạt động này, không những nhiều sản phẩm Việt Nam tìm được vị trí ổn định trong các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam mà còn xuất khẩu thành công ra nhiều thị trường thế giới nơi các DN này đặt hệ thống phân phối.

dua hang hoa viet nam vao he thong phan phoi nuoc ngoai ket noi ben vung chuoi dut gay
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo

Tiếp theo những thành công đó, ngày 20/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội thảo tập huấn trực tuyến – kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài”.

Chương trình Hội thảo – Tập huấn – Kết nối với các hãng phân phối lần đầu tiên được tổ chức theo mô hình trực tuyến được Bộ Công Thương đánh giá là một sự kiện quan trọng. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa ổn định ở Việt Nam và trên thế giới, các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng sâu sắc, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới có những xáo trộn và đứt gẫy, hơn bao giờ hết, nhu cầu giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như nông sản, thực phẩm là nhu cầu cấp thiết của các Tập đoàn phân phối cũng như của các DN xuất khẩu Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, thời gian qua, rất nhiều các hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020” đã được Bộ Công Thương phối hợp với các Tập đoàn phân phối nước ngoài triển khai. Hoạt động này nhằm hợp tác nâng cao năng lực cho các DN xuất khẩu Việt Nam, từ năng lực sản xuất, phát triển thị trường và cả năng lực tài chính để đủ khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng cho các tập đoàn phân phối ở nước ngoài.

Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) thông tin, Bộ Công Thương không chỉ kết nối đơn giản để hai đối tác có cơ hội gặp nhau mà còn tư vấn cho các DN Việt Nam, từ việc sẵn sàng và khả năng đáp ứng các tiêu chí để vào hệ thống phân phối nước ngoài đến quy mô sản xuất, khả năng quản lý chất lượng và sản phẩm. Khi phù hợp rồi thì sản phẩm đã đáp ứng được yêu cầu của các bạn hay chưa? Sau khi đã có sàng lọc nhất định, Vụ sẽ tạo điều kiện để DN Việt Nam kết nối với các nhà phân phối nhằm tiết kiệm thời gian. Tức là hai bên đã hiểu tương đối về nhau và đến phòng chat room chỉ nói những vấn đề chi tiết về sản phẩm.

Thông qua Đề án đưa hàng Việt Nam và hệ thống phân phối nước ngoài, Bộ Công Thương mong muốn không chỉ đẩy mạnh được xuất khẩu mà còn xây dựng được đội ngũ DN có năng lực sản xuất – kinh doanh, có năng lực đáp ứng được các yêu cầu thị trường nước ngoài. Đồng thời, thông qua Đề án này, có thể kết nối được các nhà phân phối nước ngoài với các địa phương nhằm đưa được sản phẩm đặc trưng của địa phương vào hệ thống của họ.

dua hang hoa viet nam vao he thong phan phoi nuoc ngoai ket noi ben vung chuoi dut gay

Hiện nay dịch bệnh COVID-19 nên các nhà phân phối nước ngoài cũng bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu tích cực khi các hàng tiêu dùng thiết yếu, nông sản thực phẩm lại có sự tăng trưởng nhất định. Theo thông tin Walmart trao đổi với Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ thì doanh số quý II/2020 của họ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoài, tăng 9,2% so với quý I, trong khi bán hàng online tăng tới 97% so với cùng kỳ. Họ cũng kỳ vọng tăng gấp đôi doanh số mua hàng tại Việt Nam.

Chất lượng sản phẩm là yêu cầu tiên quyết

Khẳng định có nhu cầu lớn về các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, các DN phân phối nước ngoài cũng chia sẻ cụ thể về những yêu cầu mà các DN Việt Nam phải đáp ứng để tìm được chỗ đứng tại kênh phân phối của các DN này. Ông Fukui Tomoiaki – Giám đốc cao cấp bộ phận sản phẩm Tập đoàn AEON cho biết, quan điểm xuyên suốt của AEON là mang đến cho khách hàng các sản phẩm an toàn, an tâm, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện từ trang trại đến bàn ăn.

“Sản phẩm thịt bò Tasmania đang được bán tại hệ thống phân phối của AEON được lấy từ trang trại chuyên dụng; Cá được nuôi trong nước biển sạch của Nhật; Cá hồi Đại Tây Dương được đánh bắt từ vùng cực Bắc Na Uy… AEON luôn hành động trên quan điểm lợi ích khách hàng, muốn hợp tác mang đến cho khách hàng Nhật Bản, Việt Nam và các quốc gia khác nhiều sản phẩm hơn nữa. AEON cũng mong muốn các DN Việt Nam cùng hợp tác với mục tiêu này của AEON” – ông Fukui Tomoiaki cho hay.

Dù khó khăn do dịch bệnh, 6 tháng đầu năm AEON đã xuất khẩu 268 triệu USD hàng hóa Việt Nam. Dự kiến cả năm, AEON sẽ đạt kim ngạch 500 triệu USD, theo đúng cam kết với Bộ Công Thương trong thỏa thuận hợp tác trở thành đối tác chiến lược.

Ông Karim Noui – Giám đốc thu mua và xuất khẩu Tập đoàn Central Retail khẳng định, thành công của tập đoàn cho đến hôm nay không chỉ gói gọn trong kinh doanh mà còn cam kết chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng Việt. Nhiều chương trình nâng đỡ cộng đồng và DN vừa và nhỏ đã được Tập đoàn triển khai các năm qua như Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan thường niên; Tuần lễ hàng nông sản được tổ chức khắp các địa phương Việt Nam; Hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển toàn diện thương hiệu cạnh tranh để thâm nhập được vào hệ thống phân phối bán lẻ; hỗ trợ nông dân địa phương phát triển sinh kế bền vững thông qua các chương trình thu mua nông sản với mức chiết khấu 0%…

Cùng với hỗ trợ người tiêu dùng ở thị trường nội địa, Tập đoàn này cũng xúc tiến đưa hàng hóa ra thế giới với chất lượng được đảm bảo bởi chính thương hiệu của Central Group. Đây cũng là tiêu chuẩn mà Tập đoàn đặt ra khi thu mua hàng hóa tại Việt Nam.

Về phía Tập đoàn MM Mega Market, DN cũng khẳng định sẽ đồng hành với các nhà sản xuất Việt Nam thu mua hàng nông sản chất lượng. Bà Trần Kim Nga – Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH MM Mega Market khẳng định: “Nhà cung cấp của MM Mega Market cần đảm bảo chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hệ thống của MM Mega Market không chỉ cung cấp sản phẩm cho các khách hàng cá nhân mà còn là đối tác là các nhà hàng, căng tin, khách sạn, bếp ăn công nghiệp… cho nên đây là giải pháp phát triển kinh doanh bền vững”.

Cùng với chuỗi sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP Việt Nam tại hệ thống phân phối của MM Mega Market vào nửa cuối năm nay tại cả 3 miền, cơ hội hợp tác với MM Mega Market cũng ngày càng mở rộng bởi DN này đang đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra Singapore, Thái Lan, Hồng Kông… đều đặn hàng tháng.

Nguồn: congthuong.vn

https://congthuong.vn/dua-hang-hoa-viet-nam-vao-he-thong-phan-phoi-nuoc-ngoai-ket-noi-ben-vung-chuoi-dut-gay-142477.html