Đọc “Lặng thương đến hoàng hôn” của Nguyễn Các Ngọc

Khi đọc tựa sách “Lặng thương đến hoàng hôn” của Nguyễn Các Ngọc có lẽ nhiều người không biết là sách có nội dung gì. Đọc hết 240 trang của tác giả thì đây là sách viết về một doanh nhân ở Sa Đéc, ông Trần Khiêm Khánh; một thương hiệu bột rất quen thuộc với tất cả người tiêu dùng ở miền Nam: Bột Bích Chi.

Ông Trần Khiêm Khánh (Tư Khánh) một tư sản dân tộc đã đem hết tâm huyết của mình để xây dựng thương hiệu bột gạo lứt Bích Chi, ông rất có lòng với làng nghề bột gạo Sa Đéc. Thế nhưng, tâm nguyện của ông không trọn vẹn, không được đưa sản phẩm gạo Việt Nam xứng tầm với thế giới. Ông đã hiến hết tài sản , cơ xưởng của ông cho chính quyền để được làm việc thêm gần 17 năm nhưng cuối cùng không đủ chế độ hưởng lương hưu.

Một quyển sách viết về thương hiệu Việt hiếm hoi

Viết về một nhà tư sản có lòng với xứ sở thật là khó khi câu chuyện về ông ít ai biết rõ, có lẽ tác giả muốn nhắc lại cho mọi người biết đến cái tâm và tài của ông Tư Khánh, chứ không phải để PR cho ông Tư Khánh vì ông cũng đã “rữa tay gát kiếm” từ năm 1991 và ra người thiên cổ hồi cuối tháng 9 năm 2017, cũng không quảng bá cho thương hiệu Bích Chi vì xí nghiệp này nay đã quốc hữu hóa và cổ phần hóa từ lâu rồi.

Người đọc có thể tìm thấy trong sách bài học của một người cống hiến suốt đời cho sản phẩm nông nghiệp và công lao đó vẫn chưa được công nhận. Đọc để nhớ lại một thời đa số trẻ con ở miền Nam dùng sản phẩm rẻ tiền của Việt Nam mà cơ thể vẫn khỏe mạnh thông minh, người già bệnh tật vẫn mê dùng.

Một quyển sách viết về một nhà tư sản miền Nam trong buổi giao thời chịu nhiều thiệt thòi, do vậy mà không lấy làm lạ khi tác giả phải nhờ một cán bộ cao cấp thời trước “đổi mới” là ông Kiều Xuân Long, Nguyên chánh văn phòng – Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ban Trí vận – Mặt trận Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, Phó Vụ trưởng Ban Khoa giáo Trung ương viết lời tựa.

Nhà Báo Lương Minh