Chiến sĩ cảnh sát cứu em bé co giật: Ngón tay chống lại sự vô cảm

Bức ảnh người chiến sĩ cảnh sát cơ động dùng ngón tay cứu em bé bị co giật là một hình ảnh đẹp, một tấm lòng đẹp dù còn nhiều thiếu sót về chuyên môn y tế. Ngón tay chịu đau đớn ấy xoáy thẳng vào những con người vô cảm vẫn hiện diện đâu đó trong cuộc sống thường nhật.

Hình ảnh về người chiến sĩ Cảnh sát cơ động Trần Đức Giảng dùng tay ngăn bé trai cắn lưỡi khi lên cơn co giật ở sân vận động Thiên Trường (tỉnh Nam Định) vào ngày 4/8 đang trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận mấy ngày qua.

Khi nhìn bức ảnh ấy, đập ngay vào mắt tôi hình ảnh một người đàn ông nhắm mắt, nghiến răng chịu đau, dùng tay giữ miệng của một đứa trẻ đang lên cơn co giật nhằm tránh nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân.

Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì trong trường hợp đó?

Tôi dám chắc không có nhiều người dám làm quyết định hành động nhanh chóng như anh Giảng. Anh hành động với trái tim của một người cha có 2 con nhỏ và với lời thề của một chiến sĩ Công an nhân dân.

Nhiều người tranh luận về việc anh Giảng làm chưa đúng với phương pháp sơ cứu trẻ bị co giật mà ngành y tế hướng dẫn. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta phải xem xét lại hoàn cảnh đang diễn ra, điều gì khiến anh Giảng hành động như vậy.

Như anh chia sẻ, hơn 16 năm công tác trong lực lượng cảnh sát cơ động, anh và đồng đội đã đối mặt với nhiều nguy hiểm, khó khăn cũng như cấp cứu cho nhiều người nhưng chưa có trường hợp nào bất ngờ, cấp bách như trường hợp cháu bé tại sân Thiên Trường.

Trong quá trình công tác tại phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nam Định, anh Giảng và các đồng đội liên tục được huấn luyện, học qua các lớp sơ cứu người gặp nạn. Và, bằng kinh nghiệm nuôi con ở nhà của bản thân, hầu như bé nào khi sốt cao cũng có thể có biểu hiện co giật nên anh đã hành động như bức ảnh đã lưu lại.

Bạn đọc viết - Chiến sĩ cảnh sát cứu em bé co giật: Ngón tay chống lại sự vô cảm

Trước khi dùng ngón tay ngăn cháu bé cắn lưỡi, anh Giảng cũng đã dùng hết sức để hò hét mọi người dạt sang hai bên để tạo khoảng trống cho cháu bé hít thở. Thế nhưng, cứ để bé nằm trên khán đài không phải là cách tối ưu ở thời điểm đó nên anh Giảng và đồng đội đã ẵm bé chạy thật nhanh về khu vực chăm sóc y tế. Trong lúc chạy, một tay anh bế đầu bé, tay còn lại anh dùng ngón cái để ngăn việc cháu bé có thể cắn lưỡi, làm tổn thương cơ thể trong lúc co giật.

Mới đâu đó, chúng ta nghe việc đôi nam nữ bị tai nạn giao thông nằm thoi thóp trên vỉa hè ở TP.HCM mà người đi đường không ai đoái hoài. Thậm chí, họ dừng lại xem xét, bàn tán rồi bỏ đi. Họ phó mặc cho nhân viên y tế. Bởi, họ sợ phiền phức, sợ liên lụy và biết đâu đó cũng có người sợ làm sai cách khiến nạn nhân nguy kịch hơn…

Tất cả đều có lý do để biện hộ cho sự vô cảm của mình trước tai nạn của người khác. Còn anh Giảng, anh không ngần ngại, quyết định nhanh chóng cứu người bằng kinh nghiệm, bằng những học hỏi sơ khởi về lĩnh vực không phải chuyên môn của mình.

Hành động của anh ấy, trong hoàn cảnh đó, là hành xử trên vai trò của một người làm cha, cũng là của chiến sĩ công an nhân dân.

Không có con người hoàn hảo tuyệt đối, chỉ có sự tương đối tồn tại trong hiện thực xã hội. Hình ảnh đẹp, hành động đẹp thì cứ tán dương. Điều gì chưa đúng thì chúng ta tự rút kinh nghiệm cho bản thân, đừng biến cái đẹp thành xấu xí, đừng cố moi móc cái sai nhỏ của người khác để biến chúng ta trở nên vô cảm với đồng loại.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Theo Nguoiduatin.vn

https://www.nguoiduatin.vn/chien-si-canh-sat-cuu-em-be-co-giat-ngon-tay-chong-lai-su-vo-cam-a444428.html