Cái nết Đàm Vĩnh Hưng

– Mỗi sự trở lại của Đàm Vĩnh Hưng đều đi kèm những bất ngờ. Tuy nhiên, bất ngờ đầu tiên với tôi lại chính là cuộc hẹn lúc 10 giờ sáng – Khoảng thời gian mà tôi nghĩ thực sự xa xỉ đối với một ngôi sao. Anh ưu ái cuộc gặp này hay do từ lâu, Đàm Vĩnh Hưng cũng đã có giờ sinh hoạt như người-bình-thường?

Tôi là một trong số ít nghệ sĩ thức dậy sớm. Từ lâu, tôi không cho phép mình ngủ quá nhiều. Đồng hồ sinh học cũng tự nhiên như thế rồi. Chữ ngủ và chữ ng* nó gần nhau lắm. (cười) Nên cơ địa là thế. Không có chuyện ngủ tới 12 giờ trưa đâu. Chính vì thế sắp xếp cuộc gặp gỡ lúc 10 giờ sáng là hoàn toàn bình thường.

Tôi cũng làm việc về đêm chứ không phải người ngủ quá sớm. Như hôm qua, sau buổi họp báo, tôi đi coi một vở kịch của anh Thành Lộc. Về đến nhà tầm 12 giờ đêm, soạn trang phục cẩn thận cho hôm sau. 2 giờ sáng mới đi ngủ.

– Anh có thể chia sẻ với độc giả về album “Chuyện loài hoa dang dở” mới phát hành?

Album lần này là điều đặc biệt và cả bất ngờ với chính tôi. Tôi không nghĩ mình sẽ lựa một chủ đề duy nhất về Hoa để đưa vào đĩa nhạc. Thường sẽ bị hạn chế cho sự lựa chọn. Nhưng lời đề nghị của nhạc sĩ Minh Vy khiến tôi chú ý.

Minh Vy đưa một list bài tôi coi thử, lúc đó tôi cũng kiểu “ậm ừ” lịch sự với bạn mình vậy thôi. Nhưng xem xong thì tôi bị bất ngờ vì “Sao có nhiều bài hay về hoa đến thế?”, có bài tôi còn chưa từng biết đến. Cảm giác này gây kích thích trong tôi.

Sau khi nghe 43 bài trong danh sách, tôi lược bỏ những ca khúc từng hát rồi, cũng như vài bài mà bản thân cảm thấy không xứng đáng vào “chung kết”. Sau đó thu âm liền. Minh Vy và tôi đều làm rất nhanh. Một đêm 3,4 bài. Mọi thứ từ quyết định đến thực hiện rất tốc độ, cảm giác làm dự án như vậy mới “đã”. Chủ đề này với tôi rất tuyệt vời cho đĩa nhạc thứ 9 của chuỗi Dạ khúc cho tình nhân. Tôi cũng đã bắt đầu suy nghĩ về “cách chơi” cho đĩa thứ 10 sao cho trọn vẹn để “khóa sổ” dự án.

– “Với đĩa này Đàm Vĩnh Hưng không chinh phục mà chỉ để dành tình yêu với Bolero” – Anh có thể chia sẻ rõ hơn về phát ngôn này?

Vì đây là những bài hát có nhiều tiền nhân từng thể hiện. Tôi không hát để chứng tỏ mình mới hơn, hay hơn. Cái đó tự mỗi người cảm nhận. Đúng là phải dùng từ “chinh phục” khi nói về Hưng và Bolero. Tôi chinh phục dòng nhạc này trong một thời gian khá dài. Những bước đầu gặp rất nhiều rào cản, gièm pha, sự nghi ngờ,… nhưng tôi kiên trì theo đuổi. Sau cùng cũng được gọi vui là “bên nhà gái” thừa nhận và cho tôi làm thành viên của gia đình đó (cười).

Nên bây giờ tôi không cần chinh phục nữa. Tôi chỉ muốn nói mình yêu Bolero đầy chân thành và đi tới tận cùng tình yêu đó. Cụ thể là việc làm CD. Về kinh doanh dường như là không có. Khán giả cũng chỉ đóng khung một thị phần. Nhưng với tôi, họ là những khán giả trung thành và không hề thay đổi. Nên cũng là sự khích lệ tôi chứng tỏ sự biết ơn khi họ đưa tôi được ngồi vào vị trí đặc biệt ở thể loại nhạc này làm sao cho xứng đáng.

– Tôi hơi lạ lẫm với việc Đàm Vĩnh Hưng lại đặt cạnh cụm từ “không được công nhận”. Lúc đó người ta gièm pha anh thế nào?

“Hát không tới”, “Luyến láy gì kỳ cục”, “không đúng chất”, “ngân nga không thấy giống hay nức nở”,… Cũng là số ít thôi. Tôi cũng nên biết về người thích và cả người không thích để biết đâu sắp xếp lại lựa chọn của mình. Fan thì mình hát gì cũng được. Nhưng tôi muốn mọi thứ rộng khắp hơn thì phải quan tâm và nghe tất cả những lời nhận xét.

Nhưng tôi tỉnh táo để biết đâu là dìm hàng, đâu là góp ý hay phản biện. Album đầu tiên về nhạc Tiền chiến nói thẳng vẫn còn để cái tôi “lạng ngách” trong đĩa đó quá nhiều. Cũng có người không chịu. Dù không quá quan tâm nhưng tôi biết rằng mình cần làm hài lòng những khán giả yêu dòng nhạc đó. Chứ không thể “không thích thì thôi”.

Tôi đã làm mọi cách để có sự thay đổi trong quan điểm nghe của khán giả về tôi. Và tôi thấy sự thay đổi đó có nhiều. Có khán giả còn chưa từng nghe Bolero nhưng vì tôi mà họ nghe. Có fan nhỏ tuổi cũng thích vì “chú Hưng hát gì con nghe đó“,… Mọi thứ trong tiềm thức, “ngấm” lúc nào không hay. Khán giả đã đón nhận tôi với dòng nhạc này như vậy đó.

– Và người ta chê anh nên anh trả lời bằng dự án 10 album luôn?

(cười lớn) Tôi hay có “bệnh” đó lắm. Ai mà chê gì là tôi làm cho bằng được thì thôi. Như chuyện ăn mặc bây giờ gọi là fashionisto nhưng lúc trước là lập dị, quái đản,… Thậm chí, tôi còn bị một tạp chí đầu ngành về thời trang bình chọn tôi ăn mặc phản cảm.

Lúc đó tôi còn phát ngôn: “Thời trang của tôi sẽ đi trước 10 năm”. Mà đúng thiệt. Sau đó áo lưới, áo ren, khăn choàng có mặt ở khắp nơi. Tôi cố gắng mặc hàng hiệu các kiểu để “dập” lại. Đúng 1 năm sau, chính tạp chí đó trao tôi giải Ăn mặc mốt nhất năm (cười).

Cái nết của tôi là như vậy. Bolero cũng phải làm album, liveshow đàng hoàng, chứ không “ăn xổi ở thì”. Đó là cách tôi trả lời cho những sự đón nhận. Đương nhiên, lúc này vẫn có những người chưa chịu. Tôi hiểu và chia sẻ điều đó. Tuy nhiên, tôi chắc chắn một điều mọi người luôn phải thừa nhận rằng Đàm Vĩnh Hưng mang Bolero lại gần khán giả trẻ.

– Tôi thích phát ngôn “đi trước 10 năm” của anh. Dù có sự ngông nghênh nhưng quả nhiên là 1 tâm thế rất hay ho. Anh còn giữ tâm thế này để làm ra những sản phẩm thì hiện tại? Để 10 năm sau người ta lại phải trầm trồ?

Bạn biết sao không, tôi rất mê đọc các bài viết về những huyền thoại. Dù họ đã đi xa nhưng để lại cái này, cái kia,… Dù chỉ là 1 tác phẩm nhưng muôn đời sau, các thế hệ không thể làm giống. Tôi thích điều đó và tôi muốn được như vậy. Tôi muốn để lại những thứ mà sau này người ta chỉ có thể nhắc về mình chứ không thể là ai khác.

Đó là cái ngông cuồng trong con người tôi. Tôi nghĩ sao nói vậy và thực hiện nó bằng tất cả những gì mình có.

– Anh cảm thấy hiện tại đã tồn tại những thứ mà sau này người ta tìm về chủ đề đó và buộc phải nói rằng chỉ Đàm Vĩnh Hưng mới có?

Nếu được vậy thì tôi “khoái” lắm. Tôi còn tưởng tượng ra viễn cảnh khi mình về già, không còn đi hát, tôi ngồi ở nhà đọc những bài báo ở thời điểm lúc đó. Lớp trẻ hóa thân thành mình, nhắc về những chiến tích vang dội của mình,… Suy nghĩ mơ hồ, niềm vui cỏn con vậy thôi mà cũng khiến mình sung sướng.

– Anh còn nói album lần này không thu về lợi nhuận thì cũng phải thu về danh tiếng. Về truyền thông, anh kỳ vọng ở những tựa báo như thế nào cho dòng sự kiện này sẽ củng cố danh tiếng của anh và khiến anh “sung sướng”?

Ít ai hỏi câu này lắm nha. Thẳng thắn mà nói nghệ sĩ nào cũng muốn được nghe những lời tâng bốc. Tôi không biết là tính xấu hay gì. Nhiều người cũng nói cần vui vẻ trước những lời chê. Nhưng mà nghe chê thì chán lắm, kiểu như bao nhiêu công sức không được công nhận.

Nói gì thì nói nghệ sĩ vẫn đỏng đảnh và thích được khen ngợi. Khi nghe lời khen, nghệ sĩ sẽ được “kích động” và còn làm nhiều hơn. Tôi thích những title kiểu: “không ai làm lại” hay “chỉ có Đàm Vĩnh Hưng mới như vậy”,… Nghe vậy mới vui. Vui cả ngày luôn đó, thậm chí tôi còn lưu lại, in cả những trang báo điện tử như thế ra làm tư liệu.

Đúng là chưa biết thu lại thế nào từ cái đĩa nhưng thấy sự đón nhận của đồng nghiệp ở họp báo. Lam Trường, Quang Dũng, Đan Trường tối về vẫn còn nhắn tin khen tôi hát hay và hòa âm, chia câu, chia chữ đặc biệt. Tôi muốn bạn nghe thử bài “Hoa nở về đêm” trong album này. Tôi đã sắp xếp lại không giống một ai trước đây. Tôi là vậy đó, làm mọi thứ khác biệt nhưng khác biệt phải có lý do và phải đúng.

– Anh có sợ bản thân thích được chiều chuộng dễ dẫn đến việc sẽ chỉ nhận về những lời “ve vuốt” thay vì nhiều hơn những góp ý chân thành mỗi khi anh sai từ người thân xung quanh?

Rất may mắn rằng tôi có những người bạn chí cốt, chí tâm, thương tôi không bằng những lời khen. Họ sẵn sàng “sa sả” vào tôi không sợ tôi phiền. Tôi cũng bật đèn xanh cho điều đó. Nhiều khi tôi còn nhắc đùa nếu thấy tôi lố quá thì “xử” tôi liền dùm chứ đừng để tôi làm những điều đó (cười).

Bởi thế góp ý từ người thân thì tôi vẫn luôn nhận được. Mặt khác, tôi tự hào rằng ông trời cho tôi một ý thức không bị sa đà hay hoang tưởng. Tôi có thể hơi “cà chớn”, nhưng không làm hại ai, hất chén cơm của ai hay ảnh hưởng thuần phong mỹ tục. Bởi thế, tôi tự tin rằng khi sai là tôi biết liền. Có những điều tôi còn không nghĩ đó là tôi nữa. Như được “chiếu” cho ai đó ở bên nhắc nhở vậy.

– Sẽ thế nào nếu làm mất lòng Đàm Vĩnh Hưng?

Cũng tùy đấy. Có người tôi biết là họ nhận xét không sai. Tôi sẽ cố gắng giải thích theo suy nghĩ của tôi cho họ. Họ vẫn bảo vệ quan điểm và khiến tôi thấy rằng họ đúng thật thì tôi sẽ giữ im lặng và lắng nghe. Còn nếu không tôi làm tới luôn.

Nếu để tôi bị mất lòng thì hơi phiền đó. Ngày trước tôi dữ dội lắm. Tôi làm lớn chuyện luôn. Nhiều khi nhận câu hỏi: “Anh nghĩ sao nếu có người chê anh thế này, thế kia”,… Tôi thường bật lại là: Số người đó là số nào? bao nhiêu? đưa đây làm toán trừ cho coi… Thậm chí tôi từng thách thức bằng việc kiếm trong 100.000 bình luận rồi tự tìm xem có mấy câu chê bai. 

Còn bây giờ thì tôi xóa họ khỏi cuộc sống. Tôi sẽ không tham gia, không nói nhiều với người này nữa. Không cần mất thời gian vì không cùng quan điểm thì nói gì cũng vậy thôi. Tôi chọn cách đó và thấy nhẹ lòng hơn. Tranh luận, tranh đấu chẳng để làm gì. Ngoài kia còn biết bao nhiêu người thì tranh đấu với một người làm gì.

– Anh có cởi mở với những người từng mất lòng nhưng nay muốn quay trở lại?

Có chứ. Ví dụ như Quang Lê. Dù trước đó hùng hổ với tôi lắm nhưng sau lại làm những chuyện tôi không thể giận được. Lúc hiểu ra sự việc, Quang Lê nhắn tin xin lỗi tôi quá trời nhưng tôi không trả lời. Rồi nhờ anh Hoài Linh, nhờ Hồng Ngọc, thậm chí còn tới chỗ tôi biểu diễn chụp ảnh tạo hình trái tim cùng poster của tôi,… Riết rồi tôi không giận được nữa.

Chỉ cần thiện chí, chân thành thì tôi cũng nhanh bỏ qua lắm. Có những người xin lỗi nhạt nhòa thì tôi cũng nhạt nhòa. Giữ “level” trên cao quá thì tôi đối xử ngược lại i chang luôn. Tôi là như vậy! Bước tới là nhất định phải thắng.

– Quay lại với việc anh ra album thì anh bày tỏ rằng không biết sao nghệ sĩ làm 1 cái album mà lâu đến thế. Trong khi anh một tối thu được 3-4 bài là chuyện bình thường. Với tôi thì câu chuyện vài năm có một album đâu đó còn là sự “giữ giá” đầy chủ ý của chủ nhân. Họ tạo tâm lý với khán giả rằng, đang được nghe một CD làm trong nhiều năm, nhiều tháng.

Còn  Đàm Vĩnh Hưng thuộc nhóm người ra đĩa liên tục. Tôi thắc mắc liệu anh có đang tạo cảm giác cho khán giả rằng: “Nếu lỡ buổi phát hành đĩa hôm nay của Đàm Vĩnh Hưng thì giờ này năm sau sẽ vẫn có một buổi ra album khác tương tự”? 

Và quan điểm của việc ra đĩa đều và liên tục ra sao?

Thứ nhất, tôi không giữ giá. Tôi không phải 17 tuổi gặp ánh hào quang, chưa qua gian khổ và dễ bay vào ảo tưởng. Tôi gặp rất nhiều ngôi sao giữ giá rồi đó. Cuối cùng thì “giá” bay đi mất tiêu. Lúc quay lại người ta đã chọn nhân vật khác.

Về album thì mỗi người một lựa chọn khác nhau. Có thể là họ chưa tìm được bài phù hợp nên khó phát hành album nhạc trẻ. Cái đó tôi hiểu. Nhưng tôi nắm được khán giả của tôi và sức mua của họ. Tôi cũng đánh giá được cách nghe nhạc ngày nay. Tôi lấy tôi làm ví dụ, nghe hoài 1 album nhanh chán lắm. Nghe đi nghe lại sau 1 năm cũng phải “thay máu” thôi.

Vậy tại sao mình lại phải để khán giả chờ đợi quá lâu khi sản phẩm cũ đã nhàm chán. Tôi ra đĩa còn để người ta biết sức lao động của bản thân bền bỉ thế nào. Giờ lâu lâu mới ra album thì bị lãng quên, ra liên tục ồ ạt quá thì nhàm. Cái khó là vậy. Ở quốc tế, ra 1 CD là bán cả đời. Làm một show xong là nghỉ ngơi được cả mấy năm, ăn xài thoải mái. Còn mình thì phải đi hát hàng đêm vì khán giả không có thói quen mua đĩa ồ ạt.

Buộc lòng tôi phải ra sản phẩm liên tục. Tuy nhiên, tôi có những khoảng trống để đan xen những điều mới lạ. Như năm trước tôi quyết định không động tới Bolero. Tôi cảm thấy sự thoái trào. Người ta nghĩ tôi sẽ lại làm ông hoàng này, ông hoàng kia, chỉn chu đạo mạo,… Cuối cùng thì thấy tôi mặc đồ biển đứng chạy nhảy khắp nơi.

Đó là sự xoay chuyển màu sắc của bản thân của tôi. Chỉ có vậy thì “nồi cơm mới sôi hoài, có cơm ăn hoài”. Chứ để “nồi cơm nguội” là khó khăn lắm. Khi quay trở lại là như người ở tỉnh lên thành phố vậy đó. Không thể bắt kịp xu hướng, làm mãi mới được 1 bài tới lúc phát hành thì người ta đổi trend, hủy bỏ cũng vậy.

– Vậy là dù làm đĩa chi phí cao nhưng Đàm Vĩnh Hưng cũng chỉ tự tin giá trị thành phẩm được người ta nghe trong 1 năm. Qua ngày thứ 366 là album trở nên nhàm chán và anh có dấu hiệu tự ti?

Đó là điều rất thực tế. Ngày nào cũng nghe, bạn thử đi. Nghe mỗi ngày thì động tác tiếp theo sẽ là… rút dây điện. Đừng thử thách với “thiên nhiên”. Tôi rất rành tâm lý khán giả. Tôi biết họ sắp đòi “món” gì từ tôi. Tôi sẽ bày ra liền. Đó là phán đoán tâm lý “thực khách” của một “đầu bếp”.

Họ sẽ nghe lại album đó năm sau nữa, năm sau nữa,… nhưng đó là sự lặp lại khi ở giữa đã có những sản phẩm kế tiếp. Dòng nhạc này thì không bao giờ “chết” nhưng để nghe hoài 1 album thì chỉ được vài tháng thôi, sau đó phải nghe cái mới. Nghe cái mới xong chán thì quay về cái cũ. Đó là tâm lý bình thường và tôi tính toán được điều đó để “bữa tiệc” của tôi luôn được trông chờ.

– Chiều chuộng “thực khách” như thế là tự làm khó “đầu bếp”?

Tôi biết. Nhưng tôi thấy nó dễ vô cùng với tôi, chẳng có gì khó khăn cả. Có lẽ ông trời đã cho tôi một món quà đặc biệt. Một sự “rành nghề” mà không hề phải đi học giờ nào hết. Như cái nhà gỗ bạn thấy trong họp báo của tôi. Tôi thấy trên Đà Lạt và chụp lại để mang về dựng tại TP HCM. Toàn bộ do tôi sắp đặt và các nhân viên hỗ trợ: Từ bông hoa hồng, cho tới bãi cát, chiếc lá,… Mọi thứ cứ tự nhiên nhảy trong đầu tôi.

– Lúc này nói chuyện Đàm Vĩnh Hưng bỏ tiền tỷ làm dự án thì hơi thừa thãi, nhưng mình bàn về chuyện cũng ngay lúc này, ở thời điểm năm 2020 thì showbiz có những sản phẩm kinh phí sản xuất thấp vô cùng. Anh có tâm thế ra sao khi ngoài kia có nhiều bạn trẻ bỏ số tiền đầu tư có thể chỉ bằng 1/1000 của mình nhưng họ vẫn tạo nên tầm ảnh hưởng?

Cuộc đời có nhiều điều bất ngờ và lạ lùng như vậy. Tôi nhớ hình như có 1 nhóm bạn sửa xe, họ suy nghĩ và tự viết rap và trở thành hiện tượng với lượt xem mà các ngôi sao chẳng thể theo kịp. Thậm chí, 1 clip bình thường quay bằng điện thoại giờ cũng có thể gây trầm trồ. Tôi nghĩ không ngạc nhiên khi mà showbiz lúc này được xem và tiếp cận dễ dàng từ quá nhiều nguồn khác nhau.

Bên cạnh sự cũ kỹ của những ngôi sao cũ trong đó có tôi thì những “làn gió mới” tiếp cận khán giả trẻ lại trở nên dễ dàng. Lớp mới họ tìm tới nhau rất dễ. Tôi công tâm đón nhận điều đó chứ không hề có suy nghĩ coi thường. Nhiều ngôi sao có thể đánh giá thấp những sản phẩm như thế theo kiểu: “Đúng là rẻ tiền, chợ búa,…”. Nhưng tôi nghĩ làm được như người ta đi rồi hãy nói. Đừng lúc nào cũng “đẳng cấp, hàn lâm”. Nhiều khi ở trên cao quá xuống dưới không được.

Sự đầu tư nhỏ mà thành công lớn với tôi là sự may mắn của các bạn. Sự lựa chọn của khán giả là vậy. Tôi mà làm vậy thì thử hỏi báo chí sẽ nói gì về tôi đây? Liệu có còn những tựa báo lấp lánh như ngày hôm qua không?

Họ đặt tôi ngồi ở vị trí hiện tại thì tôi phải ngồi cho ngay ngắn. Còn các em kia thì còn đang đi bộ vòng vòng thì muốn ngồi đâu cũng được. Và những trường hợp đó để nói vào phòng trà, lên chương trình lớn hát cho ra hồn, được mọi giới đón nhận,… thì không thể được. Và để bán vé thì càng không bao giờ. Những người thành đạt họ không xem những thứ nhí nhố đó. Đó là trò chơi của các em bé bây giờ. Những người chuyên môn không đánh giá cao họ nhưng họ cũng đâu cần. Cái gì cũng có mặt lợi và hại.

Tôi có lẽ là người đầu tiên trong dàn sao lớn thừa nhận rằng view của tôi không thể bằng các em. Làm kiểu nào cũng không lại. Chúng tôi có cách thành công riêng, với khán giả, người chuyên môn và báo chí.

– Và anh sẽ không bao giờ làm một dự án giá rẻ vì luôn cần chữ “chịu chi” đặt cạnh tên anh ở mỗi tựa báo?

Thực ra chịu chi cũng không phải từ mà tôi thích nhất. Tôi thích kiểu: “Chỉ có Đàm Vĩnh Hưng mới làm thế này”. Bạn để ý thì thấy tôi không bao giờ nhắc giá tiền những thứ tôi sử dụng. Không giống một số ngôi sao, trên đường đi họp báo là gọi luôn một số người thông báo giá tiền đồ. Tôi không như thế. Người nghèo còn nhiều lắm, họ không đón nhận những điều đó đâu.

– Vị trí mà anh đang ngồi có mâu thuẫn với hình ảnh ngày 11/7, anh ngồi chốt đơn bán album trên livestream?

Với cuộc sống hiện nay, làm ngành nghề gì từ cao sang tới bình dân thì điều cuối cùng luôn là doanh số. Tôi sẵn sàng bán rau muống một ngày vài tấn còn hơn ngồi bán vàng, một ngày không bán được chỉ nào.

Tôi bắt được trend câu chuyện “chốt đơn”. Chuyện mua sắm online đang thành công tại sao mình lại không nắm bắt. Không lẽ cứ ngồi chờ người ta mua từng cái CD ở nhà sách hay tiệm đĩa. Ngày xưa, tiệm đĩa còn nhập về 5000 bản của tôi, giờ chỉ dám lấy 50 cái. Thứ gì ngon nhất ở Showbiz, Đàm Vĩnh Hưng không ăn thì cũng đừng ai ăn. Ngon thì tôi ăn rồi.

Cách bán album chốt đơn cũng không phải hạ cấp. Tôi không ào ào. Tôi trân trọng giới thiệu sản phẩm của mình và hát để kích thích khách hàng mua đĩa.

– Và anh cũng nhắm trước chuyện sẽ có những tựa báo nói Đàm Vĩnh Hưng là người đầu tiên bán đĩa theo cách này? Suy cho cùng anh đau đáu câu chuyện được làm người đầu tiên ở cái này, cái kia?

(cười lớn) Tôi thích lắm. Là người đầu tiên, người duy nhất,… đó là con người của tôi, cái nết của tôi là vậy.

– Vậy MV mới ra mắt có gì là thứ của “người đầu tiên” để khán giả cần xem ngay?

MV Bolero đầu tiên được quay theo phong cách Gangster. Không chiều theo lời bài hát nhưng vẫn hợp lý. MV của tôi không thể là văn tả cảnh, không thể hát về con chim là chiếu con chim, hát chàng trai ngã là cho nhân vật ngã lăn ra được,…

Lần đầu tiên tôi đứng trước sự lựa chọn và nhất định không đổi bài vì khó khăn kịch bản. Sau cùng, tôi lựa được câu chuyện trong 6 phương án.

– Bài hát trước đó cũng ít người thể hiện. Từ chia sẻ đó của anh khiến tôi nghĩ rằng liệu anh hát đơn thuần vậy thôi hay còn tham vọng kéo bài về làm của riêng anh? Và cả nhiều ca khúc từ những đĩa nhạc trước đó nữa, anh có trong mình tư tưởng này?

Tôi rất thích câu hỏi này và sao bạn có thể hiểu tôi đến vậy. Đúng, tôi đã lột sạch sẽ bài hát ra bởi cái máu không chịu thua. Giờ tôi hát lại không cần được khen hay hơn bản trước nhưng để người nghe nhớ mãi thì tôi sẽ làm mọi cách.

Tôi cũng không hiểu do bản thân đương thời, hay do khán giả quá yêu mình mà có rất nhiều bài tôi hát xong nó thuộc về tôi luôn: Thương hoài ngàn năm, Bình minh sẽ mang em đi, Say tình hay Lạc mất mùa xuân,… Cứ nhắc tới là nhớ tới tôi liền. Tôi rất tự hào.

– Sự kiện họp báo của anh đếm không xuể nghệ sĩ tới tham dự, chúc mừng… trong số đó, họ tới vì Đàm Vĩnh Hưng hay họ tới vì được xuất hiện tại sự kiện quan trọng của ông hoàng nhạc Việt?

Đương nhiên vì Đàm Vĩnh Hưng rồi. Tại sao họ tới đông thế? Chắc chắn là vì tôi dễ thương rồi. Tôi cũng không cho phép ai tiếp cận tôi với lý do buổi đó quan trọng, nhiều báo chí nên được lên báo dễ dàng.

Bạn nhìn khách mời hôm đó cũng thấy mọi người ngồi tới phút cuối cùng nghe Hưng hát. Tâm lý giờ ngôi sao đâu có nghe ngôi sao hát đâu. Vì biết hết rồi. Nhưng họ vẫn ở lại tới cuối cùng. Nghĩ thôi là lại xúc động.

– Đó là câu chuyện sự nghiệp, còn đời tư thì quả nhiên không thể biết anh đang quen ai hay đời sống cá nhân thế nào. Có chăng được biết đôi chút khi xem ké Vlog của Vũ Hà hay một vài người bạn thân của anh. Anh quá kín tiếng câu chuyện này.

Cảm giác biết rất nhiều nhưng lại không biết gì cả. Vậy là tôi đã thành công rồi đó (cười lớn). Bắt nguồn từ nhiều thứ lắm. Tôi thấy nhiều ngôi sao ở Việt Nam hay một số nước khác, khi công bố người yêu hay gia đình thì cuộc sống có dấu hiệu buông thả hơn, không còn chăm chút, không còn lộng lẫy hào quang nữa. Lúc nào họ cũng chỉ nói về gia đình, đó là sự lựa chọn yên bình của họ.

Còn tôi, chắc do quá mê hào quang này, không chịu để mất đi dễ dàng nên tôi chọn không bao giờ công bố. Cộng thêm những tình tiết như không có, chia tay, chưa đi tới đâu hết,… công bố sớm rồi chia tay thì nhục chết. Lại vô tình tiếp tay định kiến nghệ sĩ thay tình nhân như thay áo. Đó là lý do tôi giữ bí mật. Cứ để khán giả thắc mắc hoài đi.

Chuyện cá nhân của tôi thì lại đơn giản. Chỉ cần tôi và người đó biết là đủ rồi. Đủ hơn chút nữa thì để bạn bè biết, hiểu và đón nhận thì đúng là trọn vẹn. Giờ mà công khai người đó ra là cuộc sống người ta đảo lộn tất cả. Phiền lắm, khéo họ lại sợ yêu nghệ sĩ rồi đòi chia tay luôn.

Sau những lần yêu rồi đổ vỡ, thậm chí từng “qua đường”, sau cùng tôi chọn chuyện việc giữ kín. Có nhiều cuộc tình huyền thoại chỉ mãi trên báo chí thôi.

– Anh có thể mô tả về người yêu của anh và chuyện tình cảm của 2 người thì hiện tại?

Một vài từ mô tả thì không đủ đâu. Tôi chọn được người đó rất khó. Người đó cũng làm việc bình thường thôi, không phải nghệ sĩ. Người bình thường thấy nghệ sĩ thì cũng thú vị hơn.

Tôi chỉ có thể nói người yêu của tôi hiện tại rất nhẹ nhàng. Tôi yêu người đó say đắm, mê họ kinh khủng luôn. Làm gì cho họ cũng được. Tôi có thể đáng sợ ở ngoài cuộc đời nhưng trong sâu thẳm thì tôi cần một “bức tường” để dựa vào. Hiện tại, tôi chỉ có thể chia sẻ đến đó.

– Một câu hỏi khá công nghiệp nhưng chắc chắn sẽ vẫn nhiều người háo hức đó là muốn nghe về dự án kế tiếp từ anh?

Tôi đã nói đây là cuộc tấn công bắt đầu. Tôi đã chuẩn bị hết đủ “pháo đài” để dàn kín tới cuối năm. Tới tháng 8 là họp báo liveshow của tôi. Sau liveshow đi khắp nơi thì cũng có nhiều điều được dải liên tục. Tôi gọi đây là “Lâm triều trở lại”. Thế mạnh của tôi còn là nhạc ngoại lời Việt, nói đến đây chắc bạn cũng hiểu về dự án sau đó nữa rồi đúng không?

Anh kể tôi nghe chuyện gia đình anh ở thời điểm căng thẳng nhất đã buộc phải làm lớn một lần cho xong. Bù lại, mọi thứ bình yên đến tận bây giờ.

Hay như ồn ào với Quang Lê, anh cũng chẳng ngại đụng chạm, để rồi tất cả kết thúc thật nhẹ nhàng: “Lê làm anh không giận nổi nữa”.

Anh là vậy. Nhiều câu chuyện không hay xung quanh. Anh chẳng ngại “xù lông”, chẳng ngại “khởi chiến”, chẳng ngại thị phi, nhiều lúc quên luôn cả ngôi hoàng người ta vẫn hay gọi anh để được làm gì đó nóng nảy thật-bình-dân. Nhưng anh nói đúng, ông trời chỉ cho anh biết dừng đúng lúc. Mọi thứ vừa đủ để rồi tốt lên từ từ.

Cái nết của anh là vậy.

Nguồn: https://saostar.vn/am-nhac/Cai-net-Dam-Vinh-Hung-20200710130507852.html