Cách mua bảo hiểm xe hơi tốt, rẻ ở Mỹ

Xứ Mỹ là xứ của bảo hiểm. Mua nhà là phải mua bảo hiểm nhà. Mua xe là phải mua bảo hiểm xe. “Bill” bảo hiểm là một khoản tiền phải trả làm nhiều người Mỹ ngán ngẩm, và gọi nói là “hụi chết!”

Nhiều người đóng tiền bảo hiểm mua xe từ năm này qua năm nọ, mà không hiểu rõ về nó. Mình trả tiền như vậy, hãng bảo hiểm làm được gì cho mình? Mình mua như vậy là mắc hay rẻ? Mình nên mua bảo hiểm bao nhiêu là phù hợp? Có nhiều người khi so sánh tiền phí bảo hiểm hằng năm phải trả (bảo phí) với người khác, thấy số tiền mình đang trả ít hơn, bèn kết luận ngay: .”.. bảo hiểm của tui rẻ hơn của anh!” So sánh như vậy không phải là so sánh “apple to apple,” cho nên chưa chắc chính xác.

bh2

Thiết tưởng đã phải “đóng hụi chết bảo hiểm,” bà con mình cũng nên hiểu biết thêm là mình được hưởng những quyền lợi gì từ hãng bảo hiểm.

Nói một cách đơn giản nhất, người chủ xe đóng bảo phí là để khi mình gặp tai nạn xe, hãng bảo hiểm phải trả tiền để chăm sóc mình. Có hai vấn đề chính yếu nhất mà hãng bảo hiểm phải chịu trách nhiệm khi mình gặp tai nạn:

-Trả tiền chăm sóc y tế cho người bị thương do tai nạn.

-Trả tiền để sửa xe bị hư hỏng do tai nạn.

Một nguyên tắc căn bản của bảo hiểm, đó là phe nào có lỗi trong tai nạn, thì bảo hiểm của phe đó phải chịu trách nhiệm trả tiền cho phe bị gây tai nạn. Đây chính là nguyên nhân khiến sau khi xảy ra tai nạn, dân mình hay đứng cãi nhau, để đổ thừa người bên kia có lỗi! Cũng từ nguyên tắc “ai trả” này, dân Việt mình đã diễn tả về cách mua các loại bảo hiểm xe cộ khá “tượng hình,” đó là mua bảo hiểm một chiều, một chiều rưỡi, hai chiều:

Bảo hiểm 1 chiều: khi mình có lỗi trong vụ đụng xe, bảo hiểm của mình trả tiền nhà thương, và sửa xe cho đối phương. Còn mình tự lo cho bản thân và xe của mình.

Bảo hiểm 2 chiều: khi mình có lỗi trong vụ đụng xe, ngoài việc trả tiền chăm sóc đối phương, bảo hiểm của mình còn trả một phần tiền sửa xe mình nữa. Đến đây, ta có thêm khái niệm “khấu trừ” (deductible). Đó là số tiền mình phải tự bỏ ra để sửa xe mình, trước khi hãng bảo hiểm trả. Thí dụ xe mình bị đụng, đi sửa tiệm đòi $2,000. Trong hợp đồng bảo hiểm phần deductible là $1,000, thì ta phải trả $1,000, còn hãng bảo hiểm trả $1,000. Nếu sửa xe dưới $1,000 thì mình tự trả hết.

Mua bảo hiểm 2 chiều còn được một cái lợi nữa, là mình được hãng bảo hiểm trả tiền sửa xe trong những trường hợp hư hại, mất mát không do tai nạn xe cộ, thí dụ như bị mất cắp, bị cháy, bị lụt, bị phá hoại…

– Bảo hiểm một chiều rưỡi: khi mình bị đụng xe bởi một người không có bảo hiểm, hoặc trong trường hợp “hit and run” (đụng xe bỏ trốn), bảo hiểm sẽ trả tiền nhà thương, sửa xe cho mình. Xin lưu ý: mua bảo hiểm “hai chiều” không có bao gồm cả “một chiều rưỡi” như nhiều người lầm tưởng. Để được hưởng quyền lợi này, mình phải mua cả “hai chiều” lẫn “một chiều rưỡi.”

Đã nắm được những khái niệm căn bản kể trên, ta có thể so sánh, lựa chọn loại bảo hiểm thích hợp cho mình. Một nguyên tắc nữa cũng rất đúng trong khi mua bảo hiểm: “tiền nào, của đó.” Mình không thể “khôn” hơn các công ty bảo hiểm. Họ dựa trên xác suất, thống kê để định ra giá bán bảo hiểm cho mình. Trước khi bán bảo hiểm, họ hỏi mình thật nhiều thông tin, để đánh giá xác suất mình bị tai nạn xe có cao không.

Thí dụ như: tuổi tác; kinh nghiệm lái xe bao lâu? mình lái xe đi làm hằng ngày gần hay xa? mình có đậu xe trong nhà không? Mình có làm nghề nghiệp đòi hỏi sự cẩn thận, hay có kiến thức về an toàn xe cộ hay không?… Thí dụ một người có độ tuổi trung niên, có thâm niên lái xe, có bằng cấp kỹ sư… là những điều kiện để có thể mua bảo hiểm rẻ.

Khi chọn mua bảo hiểm, thường là bảo phí rẻ thì quyền lợi thấp và ngược lại. Thí dụ nếu mình chọn deductible cao thì bảo phí sẽ thấp. Nếu mình chọn loại tiền hãng bảo hiểm trả cho chi phí nhà thương, chi phí sửa xe cao, thì tất nhiên bảo phí sẽ cao hơn. Hãy tự đánh giá mình thuộc loại tài xế nào, rồi quyết định mua bảo hiểm cho phù hợp. Nếu tự thấy mình lái xe lạng quạng, thì hãy mua loại deductible thấp, chịu đóng bảo phí cao.

Ngược lại, nếu tự thấy mình là loại người “lái xe trong chánh niệm,” khi lái xe chỉ chú tâm đến việc lái xe, không nghĩ đến nồi cơm chưa nấu ở nhà, không nghĩ đến ông xếp khó tính ở sở, thì mình có quyền mua loại bảo phí thấp, deductible cao để tiết kiệm tiền. Nếu gia đình mình thuộc tầng lớp “người có tóc” trong xã hội, tức là có nhà cho thuê, có tài sản… thì nên mua loại bảo hiểm chi trả tiền nhà thương cao một chút.

Có nhiều trường hợp người lái xe có lỗi đụng người thương tích, tiền bảo hiểm trả cho nhà thương ít quá không đủ (thí dụ $15,000 cho một người bị thương tích); người bị thương biết đối phương có tiền, bèn kiện ra tòa để đòi bồi thường thêm!

Một lưu ý nữa là các hãng bảo hiểm thường giảm giá khi mình mua nhiều hợp đồng bảo hiểm với họ. Do đó, hãy chọn một hãng bảo hiểm tốt, rồi mua các loại bảo hiểm xe, bảo hiểm nhà, bảo hiểm nhân thọ cùng một hãng, giá chắc chắn sẽ rẻ hơn.

bh1

Một hãng bảo hiểm tốt là một hãng có dịch vụ hỗ trợ khách hàng tốt. Khi khách hàng cần giúp đỡ khi chọn mua bảo hiểm, khi gặp tại nạn, khi cần giải quyết bồi thường… hãng phải có nhân viên giải quyết nhanh chóng. Đừng nên quan niệm bảo phí chỉ là “hụi chết,” đóng theo yêu cầu luật là xong. Khi hữu sự, một mình không biết phải làm thế nào, lúc đó mới thấy hối tiếc là mình mua bảo hiểm mà chỉ để ý đến giá cả.

Với một số kiến thức cơ bản như trên, bây giờ quí vị đã có thể tự tin chọn một hợp đồng bảo hiểm xe thích hợp cho riêng mình. Khi nói chuyện với hãng bảo hiểm, hay so sánh bảo hiểm xe của mình với người khác, mà biết đề cập những khái niệm về “tiền nhà thương,” “tiền sửa xe,” “tiền deductible”… thì chắc chắn thiên hạ sẽ nghe mình nói một cách… có kiêng nể hơn rồi đó!

NV