Các ‘bà cô’ góp phần làm đẹp cho đời

Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các gia đình và cũng thường đi đây đó, gặp gỡ các dì, các cô và các chị không chồng. Không chồng, vì họ chọn cách ở vậy để được chăm sóc cho các em thường là do cha mẹ mất sớm.

ảnh Lý Hồng Vân 1

Các loại bánh khéo ngày nay hầu như chỉ có thế hệ U60 trở về trước tinh thông. Một số ít người trẻ hiện bắt đầu chú ý đến những kỹ năng này. Ảnh: Lý Hồng Vân.

“Thời con gái lưng ong có bao người thầm mong theo” và những năm sau cũng vậy, họ chọn việc nuôi dưỡng con của các anh chị em của mình vì tình yêu thương.

Câu nói: “Mụ già (mẹ chồng) không sợ, mà sợ mụ o nhọn mồm”, không còn đúng nữa nhứt là trong thời đại này. Gia đình ngày nay (theo nghĩa mở rộng), ở góc độ xã hội học gia đình và văn hoá những “bà cô” có đóng góp lớn lắm. Bạn hãy nhìn mà xem: những đứa trẻ được các bà cô hay dì nuôi nấng thường không bị tác động của những nạn bạo hành từ phía người chồng, người cha. Đa số, đều được lớn lên trong tình thương, bảo bọc của cô dì. Các bà cô, bà dì này là thế hệ trước, vừa giỏi việc đồng áng, chạy chợ, kể cả làm công chức, đều là những người đảm đang và vén khéo. Chuyện giỗ quảy, bánh trái trong nhà mỗi khi nhà có đám tiệc đều do một tay các dì.

Có một thực tế gần đây, hình như có cả một thế hệ của các dì, các cô U70, U60 đã giúp cho các gia đình thế hệ U50, U40, U30 rất nhiều, nhất là trong việc gia công các loại thực phẩm. Bởi tự trong tâm và lòng thương, họ làm cho con cháu ăn nên làm thứ gì cũng nghĩ đến con cháu mình. Từng lít mắm, cọng mì, bánh, trái đều không pha, bỏ hoá chất vô tội vạ, mà chỉ thuần những nguyên liệu từ hồi nào đến giờ. Với chúng tôi, những người lo cho bữa cơm gia đình lại luôn bám mấy dì, mấy cô này. Cô dì của bạn nào cũng coi như người nhà, í ới: “Sáu ơi, tráng thêm ít bánh, làm thêm lạp xưởng, rim thêm ít mứt, bà dì làm kimchi, muối dưa cải cho tụi con với…” là mấy câu quen mà những bà mẹ trẻ như chúng tôi “đòi” các dì miết. Chưa hết, những người cô mà tôi đã từng gặp, đa phần là người có đời sống tinh thần rất thoải mái. Họ quen với câu hò, điệu hát… nên về khoản văn nghệ họ lại người luôn nhiệt thành và sẵn sàng góp vui trong những dịp họp mặt, gặp gỡ. Các cô dì, lại không vướng bận chuyện chồng con, nên cả những lúc sinh con, chăm con bệnh, đứa nào cũng nhờ cô, nhờ dì lên giúp cho năm bữa nửa tháng. Một thế hệ trẻ được lớn lên nhờ những lời hát ru em rồi tới ru cháu của các dì.

Nhờ tinh thần thoải mái vậy cho nên các dì, các cô không cắn đắn, nhăn nhó, khó chịu chi cả, hàng xóm có chuyện, mấy dì cũng xúm lại phụ. Ở các hội đoàn các tỉnh, thành hay thôn xóm, các dì các chị là những cánh tay đắc lực. Chưa kể, các dì còn ứng xử khéo léo và đẹp lắm. Chị em dâu về toàn được hỗ trợ chớ không như câu nói xưa rích kia: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”.

Những ngày giáp tết, các bà mẹ thời nay không có mấy người khéo tay gói bánh, cột lạt, đan lát những món truyền thống, chúng tôi chợt giật mình, lại thấy một khoảng trống khó lấp đầy nếu không nhờ đến mấy bà cô, bà dì dạy lại.

Cám ơn các dì, các cô đã góp công lớn trong việc nuôi dưỡng những đứa trẻ và góp thêm cho cộng đồng những nét văn hoá đẹp hơn người ta tưởng. Các cô, các dì đã chọn cách sống độc thân không lập gia đình riêng; nhưng họ không đơn độc mà còn sống vui, sống khoẻ, giúp ích cho đời sống cộng đồng từng khu phố, ngõ xóm, khu nhà mà họ đang ở. Hơn thế nữa, họ còn âm thầm đóng góp cho những chuyến đi, tham gia chia sớt với những hoàn cảnh đặc biệt, cưu mang những người khó khăn hơn. Họ có cả một gia đình lớn chứ không phải gia đình hạt nhân. Chúng tôi, những người mẹ của những đứa trẻ, luôn biết ơn họ. Bởi lẽ, học đã lựa chọn cách sống đẹp.

 

 

thegioihoinhap.vn