Ca sĩ Cao Minh “Lao động là tu tâm, âm nhạc là đạo”

Những lúc cuốc đất, xây gạch, quét vôi, tôi thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng hẳn. Xây gạch là một hình thức tu tâm, bạn phải thật sự chú ý, không là bức tường bị nghiêng liền. Đóng cây đinh cũng vậy, lúc đó, ý nghĩ duy nhất trong đầu bạn chỉ nên là cây búa và cây đinh trong tay thôi. Cái tâm chao một chút là có chuyện liền. À, như là một dạng thiền vậy thôi.

 

 

Không gian trong khu du lịch được sắp đặt ngẫu hứng nhưng không tuỳ tiện, nổi bật vẻ tự nhiên

Năm 1988, Cao Minh đoạt giải nhất Concour quốc gia lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam (dòng nhạc thính phòng), đoạt luôn giải người hát hay nhất ca khúc về Hồ Chí Minh và cả giải người hát dân ca hay nhất. Giải thưởng danh giá nhất lúc bấy giờ đã ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp ca hát của anh?

Tôi tự hào. Tôi hãnh diện và sung sướng vào thời điểm đó. Thời đó chưa có truyền hình thực tế như bây giờ, tôi không “nổi tiếng” một cách dễ dàng như những bạn trẻ bây giờ. Cuộc thi quả thực là một sự khích lệ lớn lao và đặt tôi vào một vị trí thuận lợi trên chuyến xe ca hát. Tuy nhiên, sự hãnh diện rồi cũng qua mau, đôi khi tôi còn thấy mình sai khi đã từng hãnh diện như thế. Ca sĩ rồi thì cũng là ca sĩ thôi. Và rất nhiều trò xấu nữa. Tôi biết hết và nhiều lần thấy xấu hổ. Càng về sau này càng xấu hổ, ca sĩ ngôi sao, ca sĩ top ten, ca sĩ với cátsê cao ngất ngưởng lại ngọng nghịu, hát chới với trong khung thanh nhạc. Ca sĩ làm nhiều trò lố để được nổi tiếng mà không biết tự trau dồi, học hỏi để nâng cao trí tuệ. Nếu ai đó nói rằng làm ca sĩ chỉ cần giọng hát thì sai lắm. Âm thanh cũng là một ngõ ra của trí tuệ và đạo đức. Nhất thiết, bạn phải có trí tuệ và đạo đức thì âm thanh bạn phát ra mới thực sự là âm thanh đẹp.
Và rồi anh chuyển sang đầu tư cho du lịch. Chắc vốn liếng có được từ cátsê ca hát? Anh đầu tư cho khu du lịch Cao Minh này chắc cũng khối tiền?
Tôi thích đi đây đó rồi mua những mảnh đất giá rẻ. Rồi cứ theo vui thích mà bỏ vào đấy một ngôi nhà xinh xinh, tạo cho nó một khung cảnh thi vị. Thể nào cũng có người thích rồi đề nghị mua lại. Tôi lại dùng vốn này để mua mảnh đất khác. Có lẽ cũng nhờ trời thương chứ tôi cũng dốt tính toán lãi lỗ. Khu du lịch này cũng thế, ai gặp cũng hỏi tôi đã đầu tư vào đây bao nhiêu tiền. Không tính được, chỉ nhớ lúc đầu tôi mua một mảnh đất nhỏ giá khoảng 75 triệu đồng, sau đó thì nở ra dần, bây giờ miếng đất của tôi khoảng 30ha. Về vốn liếng đầu tư cho khu du lịch này, nói nôm na, nếu với người khác, họ phải bỏ ra 5 đồng để gầy dựng được một cơ ngơi tương tự ở đây thì tôi chỉ bỏ ra 3 đồng, 2 đồng kia tôi tiết kiệm được chính là trí tưởng tượng và sức lao động của chính hai bàn tay tôi. Với khu du lịch này, tôi trực tiếp lao động là phần nhiều. Một số hạng mục cũng cần có máy móc hỗ trợ, nhưng thâm tâm tôi vẫn nghĩ, mình cần sống đúng với hai chữ “con người”, nghĩ là vừa phải biết tư duy cho phần người nhưng cũng cần phải lao động để phần con được hoạt động.

Ca sĩ Cao Minh và biểu tượng đầy ẩn ý của khu du lịch

Vừa đi hát vừa cầm bay xây dựng cả một khu du lịch to lớn thế này, anh lấy sức lực đâu ra?
Tôi có thói quen dậy sớm. Nhiều người nghĩ ca sĩ thì chắc tôi ngủ trưa lắm. Thực ra, đêm trước dù có thức khuya mấy thì sáng ra tôi vẫn dậy sớm được. Tôi cũng không có thói quen lê la cà phê như một số nghệ sĩ khác, trừ khi phải tới đó vì công việc. Rượu bia cũng không. Tôi thấy giấc ngủ trưa là quan trọng. Không cần nhiều nhưng chỉ cần chợp mắt chừng 45 phút là mình đã có thể “tươi mới” vào buổi chiều, rồi còn “chiến đấu” tới tối nữa chứ. Có hôm từ khu du lịch tôi chạy thẳng về điểm diễn, tóc tôi cứ thế mà vuốt ngược lên rồi bước ra sân khấu.  Tôi chủ trương tự nhiên, chân chất. Dĩ nhiên trong một số dịp đặc biệt mình vẫn cần phải đạt chuẩn văn hoá để giao tiếp. Còn lại với chính bản thân mình, tôi thả cương! Một thời gian dài khi phải cật lực kiến tạo nơi này, tôi chỉ ăn dưa hấu và rau muống. Vừa cuốc đất vừa lôi cọng rau muống trong túi ra ăn. Dưa hấu tôi mua mỗi lần cả chục trái, rồi chôn xuống đất để bảo quản và đám trẻ con không phá. Mỗi ngày moi lên một trái, ăn dưa thì đỡ phải uống nước, lại no. Bây giờ nghĩ lại, thấy cơ thể mình cũng kỳ diệu thật, hay là con người khi có khát khao, đam mê thì tự cơ thể sẽ sinh ra năng lượng và đề kháng chống chọi với bệnh tật. Tôi có ông cậu là nông dân một bề, thỉnh thoảng tai nạn đứt tay đứt chân, ông vung tay ra chửi thề mấy tiếng rồi tìm đại một chiếc lá hay ít thuốc rê quấn vô chỗ chảy máu. Vết thương lành hồi nào không hay. Trong khi, một số người thành thị bây giờ, đứt tay một chút phải đi nhà thương, được băng bó vô trùng lẫn thuốc thang chu đáo mà vẫn rất lâu mới lành. Dĩ nhiên tôi vẫn tin vào những kiến thức và thành tựu y khoa, nhưng tôi tin hơn ở năng lượng sinh ra từ tâm não con người.
Anh có ai tư vấn hay san sẻ ý tưởng cùng không? Lúc nào cũng thấy anh đang ở thì “hiện tại tiếp diễn”, công trình hình như chưa bao giờ hoàn chỉnh theo đúng ý anh?
Thuở đầu vỡ vạc đất, tôi cũng không tưởng tượng được thành quả của mình có hình hài như thế này. “Bật mí” một điều là tôi hầu như không dám động đến một cuốn sách hay tạp chí gì về kiến trúc, xây dựng vì sợ bị chìm đắm trong đó rồi trở nên hoang mang. Tôi cũng không thuê kiến trúc sư nào hết, ban đầu là do không có tiền, nhưng càng về sau này thì tôi lại thấy rằng niềm vui chính là được tận tay tạo nên những thứ tôi đã vẽ sẵn trong đầu. Tôi không được đào tạo bài bản nhưng chắc nhờ đi nhiều và lòng yêu thích, say mê đã giúp tôi quy hoạch toàn bộ khu vực này như hiện nay mà không tốn thêm một đồng cho kiến trúc sư. Tiền hát tôi có bao nhiêu thì chủ yếu đổ vào nguyên vật liệu. Chọn cũng toàn là thứ phế phẩm, dùng rồi. Tôi thích loại gạch bị già lửa, gạch bỏ đi ở các lò gạch, vì màu sắc chúng không đồng đều, dễ tạo nên những mảng tường đầy ngẫu hứng. Rất nhiều vật dụng ở đây là hàng phế thải, hàng ve chai. Mang về đây, tôi cho chúng một đời sống khác, giản dị, ít màu mè đi. Các hàng cây trồng ở đây cũng vậy, tôi tránh trồng ngay hàng thẳng lối, cứ để chúng nương theo thế tự nhiên mà phát triển. Cái hồ nước cũng thế, tôi tự mình đào nó trong ba năm, lấy đất để làm thành mấy cái đồi. Tôi là dân quê, tôi thích tầm nhìn thoáng, mở.

Mỗi ngôi nhà nghỉ mang một kiểu riêng, không lập lại

 

Anh không tính được tổng vốn đầu tư vào đây vậy làm sao biết lãi lỗ thế nào?
Lãi bằng tiền thì quả thật là tôi không tính nổi. Chắc là chưa lãi đâu, tôi chỉ mong sao lấy lại được vốn mà mình đã bỏ ra thôi. Nhưng ở một khía cạnh khác, tôi lại thấy mình lãi nhiều rồi.
Trước hết là sức khoẻ. Nhờ lao động, mà là lao động chân tay nên sức khoẻ tôi khá tốt. Điều này lại càng làm cho giọng hát tôi trở nên bền bỉ, sảng khoái hơn. Tôi hát tốt thì tôi lại có cátsê, có cátsê tôi lại mua nguyên vật liệu xây dựng tiếp. Nhiều lúc thấy mình sống cũng bấp bênh giữa sở thích và lợi nhuận. Nhưng đã ổn, và tôi tin nó sẽ còn ổn trong một thời gian dài nữa. Cái lãi thứ hai mà tôi muốn nhắc tới chính là sự tự do phóng khoáng trong tư tưởng của mình có được một nơi để bung trổ. Ham lao động, ham sáng tạo tôi nghĩ chắc cũng nhiều người dân Việt mình ham, nhưng có điều kiện để thực hiện thì cũng không mấy người. Tôi trân trọng điều này, cảm thấy mình hạnh phúc và rất cảm ơn những người đã ủng hộ, bên cạnh tôi trên con đường vất vả này. Sau hai cái lãi này, bây giờ tôi thấy mọi thứ đã nhẹ nhàng. Dường như tâm khảm tôi đã được trở về thời nguyên sơ nhất có thể.
Đầu tư cho khu du lịch này sẽ tiếp tục như thế nào, khi anh cho biết mình luôn ở trong trạng thái “hết vốn” do không cầu cạnh ngân hàng, không chịu hùn hạp?
Tôi muốn nhắc lại ý một câu danh ngôn cũng quen rồi, rằng hạnh phúc là quá trình chứ không phải là đích đến. Tôi cũng thấy vậy, rõ ràng hơn trong công việc của mình. Mười ba năm xây dựng khu du lịch này khiến tôi thấy cuộc sống mình đầy đặn hơn. Cứ miệt mài như Ngu Công dời núi, tôi học tránh được sự nôn nóng, vội vã. Mồ hôi tôi đã đổ nhiều, cả máu nữa, nhưng đó là một quá trình hạnh phúc. Bây giờ, khu du lịch có thể phục vụ lưu trú cho khoảng 100 người, cũng từng phục vụ sinh hoạt dã ngoại cho cả 1.000 thanh niên. Nhiều người khuyên tôi đừng xây cất gì thêm mà chỉ cần chăm chút nó kỹ càng hơn là được rồi. Tôi đồng ý việc chăm chút kỹ càng nhưng xây dựng thì chắc khó mà dừng được. Tôi còn cái lâu đài bằng đá, phải thêm ba tầng nữa tôi mới thoả mãn. Vài cái hồ cũng đang được rút nước để định dạng lại… nói chung, cũng nhiều thứ cần phải được tiếp tục. Tôi cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, còn sức thì còn làm vậy thôi.

 Chắc  anh cũng sẽ cung cấp cho khách du lịch một sản phẩm không giống ai?
Tôi làm khu du lịch nhưng tôi không thích công viên. Hoa chen cỏ xén là tôi rất kỵ. Vài ba năm nữa, có khi bạn đến đây, ăn cơm trong cái gáo dừa chứ không phải là chén sứ như bây giờ đâu, có khi cũng không còn đôi đũa nào nữa. Coi như một ngày bạn cùng Cao Minh trở ngược lại thời xưa nhất có thể, sống chan hoà giữa thiên nhiên, đất trời, chắc chắn, tâm hồn bạn sẽ được dịu lại, nhìn thấy lại phần trong trẻo nhất của mình mà có khi, cuộc xô bồ thành thị đã khiến bạn quên mất.
Gia đình có ủng hộ anh không trong dự án không bao giờ chấm dứt này?
Gia đình không ủng hộ tôi lắm đâu. Vì thương quá nên lo. Lo đất đá lấp xác tôi mất. Cũng nhiều tai nạn xảy ra, mà sao cũng qua hết. Chắc trời thấy tôi nhiệt tâm quá nên không đành. Như cái ngón tay này đây, thực ra trời phạt tôi ít mà hình như người phạt tôi thì nhiều. Lúc đó, tôi khiêng đá, sơ sẩy sao rồi bị đè dập. Lẽ ra đã có thể xử lý tốt hơn nhưng anh bác sĩ thực hiện không làm được thế. Tôi nhớ lúc anh Võ Văn Thành (bác sĩ ở bệnh viện chấn thương chỉnh hình – PV) biết chuyện giận quá trời, nhưng tôi nói thôi kệ, nếu cần tầm soát gì thì tháo luôn tới khuỷu tôi cũng đồng ý. Cơ thể này cũng giả tạm thôi mà, giữ cho cái tâm lành lặn là quý hơn cả.
Bây giờ thì gia đình tạm an tâm rồi, những khối việc nặng nề không còn nhiều. Ở khu này giờ tôi lo chăm chút hoàn chỉnh hơn thôi. Sau bao nhiêu cố gắng, vừa theo đuổi đam mê vừa muốn gợi ý cho con cái một đường hướng sống, tôi mừng khi thấy con gái mình tự hào có gốc… chân quê. Dù hát dòng nhạc thính phòng, một thứ “nhạc sang, nhạc bác học” nhưng tôi vẫn tâm niệm mình là một gã nông dân. Đôi khi chỉ muốn mình là một gã chăn trâu nào đó cũng được, tâm hồn thanh sạch nhẹ bâng!. Tôi sợ những ảo tưởng phù phiếm làm ô nhiễm, tan chảy con gái tôi mất, nhất là khi cháu được ở trong môi trường nghệ thuật và cũng không thiếu thốn gì về vật chất.
Nguồn: ktds.vn