Ca sĩ Ánh Tuyết, tiếng hát ngọt ngào không còn nữa!

Ca sĩ Ánh Tuyết của Ban Lửa Hồng, người cùng thời với các ca sĩ Mộc Lan, Kim Tước, Tâm Vấn, Mai Hương, Linh Sơn, Văn Phụng, Quỳnh Giao… đã qua đời lúc 2 giờ 30 chiều ngày Thứ Ba, 11 Tháng Bảy, 2017 tại bệnh viện Corona, California, hưởng thọ 82 tuổi.

Chị Tôn Nữ Anh Thư, con gái đầu của ca sĩ Ánh Tuyết, xác nhận tin này với Người Việt.

Theo lời chị Anh Thư, ca sĩ Ánh Tuyết “bị bệnh tiểu đường đã lâu, kéo theo nhiều chứng bệnh khác. Sức khỏe bà sa sút nhiều kể từ sau Tết Dương Lịch vừa rồi. Tuy nhiên, nguyên nhân bà ra đi là vì bệnh thiếu máu trắng máu đỏ.”

Anh-Tuyet-2

Ca sĩ Ánh Tuyết lúc đương thời

Ca sĩ Ánh Tuyết tên thật là Hoàng Bạch Tuyết, sinh ngày 12 Tháng Năm, 1935 tại Hải Phòng.

Ông Tony Lâm, cựu nghị viên gốc Việt đầu tiên ở Westminster, người quen biết ca sĩ Ánh Tuyết từ khi còn ở Hải Phòng, cho biết: “Khi còn ở Hải Phòng, Ánh Tuyết tham gia trong ban hợp ca Lửa Hồng với Mộng Dung-Ngọc Hồ-Mai Sinh. Lúc nào tôi cũng đi sát với chị ấy, kể cả khi Ánh Tuyết vào trong Nam. Lúc đó, dù tôi đã vào Hải Quân, nhưng mỗi lần được đi theo nghe Ánh Tuyết hát thì thích lắm. Bả đi đâu, tôi cũng đi với bả, như một đứa em kết nghĩa vậy.”

Theo ông Tony, sau năm 1954, ca sĩ Ánh Tuyết vào Nam, đi hát trong Đài Phát Thanh Sài Gòn, hát trong các đại nhạc hội, cũng như hát ở phòng trà Tự Do…

Ca sĩ Ánh Tuyết lập gia đình lần đầu với ông Tôn Thất Tu, một sĩ quan VNCH, có được bốn người con.

Năm 1966, bà tái giá với một sĩ quan người Mỹ, cũng là một khán giả hâm mộ bà và sang định cư tại Hoa Kỳ từ lúc đó, chấm dứt sự nghiệp ca hát khi đang ở độ chín mùi.

Trong tập 2 của quyển “Chân Dung Những Tiếng Hát,” tác giả Hồ Trường An đã nhận xét về tiếng hát của ca sĩ Ánh Tuyết như sau:

“Trong các hàng ngũ nữ ca sĩ Tân nhạc từ cổ chí kim chỉ có Bích Thủy, Ánh Tuyết, Thùy Nhiên và Quỳnh Giao là có giọng kim. Nhưng giọng Ánh Tuyết ngọt ngào và lảnh lót nhất, tuy nhiên không điêu luyện bằng giọng của Bích Thủy thời chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh và giọng của Quỳnh Giao sau này. Vả lại chuỗi ngân của chị bén nhọn như răng cưa.

Lạ một điều, giọng chị một khi cất cánh phụng hoàng bay vút lên cao tới nốt sol trên thì tiếng hát vẫn ngọt lại còn vạm vỡ hơn, chuỗi ngân mướt hơn và rung từng lượn nhỏ mềm mại hơn hơn. Đây là giọng rung ngời ánh sáng, ngát lịm âm ba vang xa. Một giọng hát đẹp tuyệt như tấm gấm đại hồng thêu hoa mặt nguyệt bằng ngân tuyến xen kim tuyến.

Anh-Tuyet1

Khi được phơi trên sào thì gấm bay phất phơ trong nắng đẹp gió hiền, làm sóng sánh ánh phản chiếu chói hồng, làm nhấp nháy nét thêu trên mặt nguyệt. Cho nên Ánh Tuyết lựa những bản có chỗ lên cao để hát như ‘Mộng Đẹp Ngày Xanh’ của Hoàng Trọng, ‘Tiếng Dương Cầm’ và ‘Mưa Trên Phím Ngà’ của Văn Phụng, ‘Em Gắng Chờ’ của Huỳnh Anh.

Riêng bản ‘Màu Tím Hoa Sim’ của Trịnh Hưng do chị hát được thu vào dĩa Việt Thanh, cũng có chỗ lên khá cao. Còn bản ‘Sầu Cố Đô’ của Lam Phương được chị hát bằng giọng ngậm ngùi và cách ngân dài ở câu trên theo lối ngân tự do, theo tùy ý để rồi chuyền qua câu sau mà không cần ngắt hơi. Chưa ai diễn tả bài ‘Sầu Cố Đô’ của Lam Phương tuyệt vời bằng Ánh Tuyết.”

“Những năm gần đây, ca sĩ Ánh Tuyết cũng có tham gia ca hát nhưng chỉ trong vòng bạn bè thân hữu chứ không xuất hiện trên sân khấu,” chị Anh Thư, con gái bà, cho biết.

NV