Bình Dương: Những ‘cơn sóng ngầm HIV’ trong các khu công nghiệp

Là nơi có nhiều khu công nghiệp nhất trên toàn quốc, Bình Dương không chỉ có các khu công nghiệp nổi tiếng, mà còn là “điểm nóng” về HIV/AIDS ở phía Nam. Số liệu thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện tại, địa phương phát hiện 7.509 người nhiễm HIV, 3.939 người nhiễm HIV còn sống được quản lý. Đáng lưu ý, có tới 80% số người nhiễm HIV ở Bình Dương là công nhân.

 Bệnh nhân nhiễm HIV đến nhận thuốc tại Trung tâm Y tế thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Ảnh: Thùy Chi

Báo động gia tăng lây nhiễm trong nhóm MSM

BS. Vương Thế Linh, Phụ trách Khoa HIV, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm dần, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) lại tăng nhanh. Cụ thể, trong năm 2009, tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục là 31,4%, nhưng đến nay tăng đến 88,6%, đáng báo động địa phương phát hiện nhiều bệnh nhân là trẻ vị thành niên.

Riêng trong 8 tháng đầu năm, địa phương phát hiện 542 trường hợp nhiễm mới HIV, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, chỉ có 98 ca nhiễm là người Bình Dương (chiếm 18,1%). 51/98 trường hợp là MSM (chiếm 52%). Số mắc mới là trẻ em dưới 16 tuổi, có 4 trường hợp là trẻ từ nơi khác chuyển đến. Trong số ca nhiễm HIV ở nhóm MSM, thì có đến 85% là đối tượng công nhân và học sinh, sinh viên.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có khoảng 3.200 MSM, lý giải về việc gia tăng số người MSM trong thời gian gần đây, BS. Vương Thế Linh cho hay, khi còn ở quê, các bạn e ngại, không bộc lộ xu hướng tình dục, nên khi lên môi trường đô thị cởi mở thì thoải mái tìm kiếm bạn tình, từ đó, nảy sinh các mối quan hệ tình cảm, quan hệ tình dục. Đa số những đối tượng chưa biết cách bảo vệ phòng ngừa, không có thói quen sử dụng bao cao su, lại quan hệ với nhiều bạn tình nên nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Chưa kể, một số MSM hiện nay có xu hướng rủ nhau cùng sử dụng ma túy rồi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ.

Bên cạnh đó, Bình Dương là địa phương có nhiều khu công nghiệp, quy tụ nhiều thành phần từ các tỉnh, thành về làm việc, nên việc kiểm soát và phát hiện số người nhiễm mới HIV gặp nhiều trở ngại.

Không chỉ khó khăn trong việc kiểm soát, việc truyền thông để phòng, chống HIV/AIDS trong các khu công nghiêp cũng vấp phải trở ngại rất lớn từ chính các doanh nghiệp. Họ chấp nhận bị xử phạt chứ không phối hợp truyền thông. Chẳng những thế, nhiều công nhân nhiễm HIV còn kỳ thị, bị chủ sa thải thẳng thừng, sẵn sàng đền bù nếu bị khiếu kiện.

Trước sự kỳ thị đó, nhiều bệnh nhân nhiễm HIV tìm mọi cách giấu kín thân phận, kể cả không điều trị, dù biết điều này sẽ khiến cho cuộc đời họ ngắn lại rất nhiều. Thậm chí, có người phải di chuyển đến tỉnh khác để lấy thuốc do sợ bị phân biệt đối xử , kỳ thị.

Điển hình là trường hợp của chị Ngô Thị C, sinh năm 1992, sống ở tỉnh Bình Phước. Chị C nhiễm HIV từ 2013, bắt đầu điều trị ARV từ 2014. Do sợ bị mọi người biết tình trạng bệnh của mình sẽ bị mất việc làm và phân biệt đối xử, kỳ thị nên hàng tháng chị C phải lặn lội đường xá xa xôi hơn 100 kim đến tỉnh Bình Dương để lấy thuốc. Chồng chị C là người âm tính với virus HIV, may mắn anh chồng là người rất yêu thương vợ con, nên luôn bên cạnh động viên, an ủi động viên chị C. Nhờ có tình yêu thương, sự sẻ chia của chồng, chị C đã tuân thủ điều trị tốt, do vậy, xét nghiệm tải lượng CD4 của chị C đang dưới ngưỡng phát hiện. Hiện chị C đang sống rất hạnh phúc bên chồng và 2 con khỏe mạnh, không lây nhiễm HIV.

Phân biệt đối xử kỳ thị – Bức rào cản “vô hình”

Ngày nay, HIV/AIDS không còn bị coi là căn bệnh thế kỷ vô phương cứu chữa như trước. Giờ đây, nếu người bệnh tuân thủ điều trị tốt, xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện thì sẽ không có khả năng làm lây nhiễm bệnh cho người khác. Tuy nhiên, nếu người nhiễm HIV lo sợ bị phát hiện bệnh, giấu bệnh không tiếp cận thuốc điều trị, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với người bệnh. Sự việc đau lòng là người bệnh sẽ bị suy giảm hệ thống miễn dịch, sớm mắc AIDS và chết do AIDS và các bệnh lý khác. Vì vậy, để tiếp cận điều trị thì người nhiễm HIV cần chủ động xét nghiệm HIV và tiếp cận thuốc ARV sớm. Cần hiểu rõ kiến thức phòng tránh, điều trị căn bệnh và đặc biệt không tự ti, mặc cảm với bản thân khi phát hiện tình trạng bệnh.

Điển hình, nhiều trường hợp đã có sự thay đổi tích cực khi hiểu rõ được việc tuân thủ điều trị tốt thì sức khỏe được cải thiện và không có nguy cơ lây nhiễm virus cho người khác. Trường hợp của một nam hướng dẫn viên du lịch gần 30 tuổi, là người trong nhóm MSM nhiễm HIV. Do sợ lộ thông tin cá nhân, bệnh nhân đã tìm đến phòng khám tư không chuyên về HIV để khám. Ban đầu do bác sĩ tư vấn không đúng, nên bệnh nhân tuyệt vọng, không điều trị và còn định nhảy cầu tự tử. Sau đó, do tìm hiểu kỹ về căn bệnh và vẫn mong muốn lấy vợ, sinh con nên anh lại tìm đến Trung tâm Y tế Thuận An để xin tư vấn.

Được BS Lê Thị Hồng Nhung, Trung tâm Y tế Thuận An tư vấn cho chương trình K=K, có nghĩa là tuân thủ điều trị ARV tốt, xét nghiệm virus sẽ không còn, thì ít nguy cơ lây cho người khác và có thể lấy vợ sinh con mà không bị lây nhiễm, nam bệnh nhân đã yên tâm điều trị và còn tuân thủ rất tốt. Sức khỏe của anh được cải thiện rõ rệt, hiện anh đang lên kế hoạch với vợ để sinh đứa con đầu lòng.

Cùng với tư vấn, điều trị cho các bệnh nhân MSM, các bác sĩ còn phải tư vấn cho bạn tình của người nhiễm sử dụng PrEP, vì họ là đối tượng nguy cơ cao. Trong năm đầu, bệnh nhân uống thuốc điều trị, còn bạn tình của họ uống thuốc dự phòng, khi xét nghiệm tải lượng virus xuống thấp, nguy cơ lây truyền gần như bằng không, thì bạn tình không cần uống thuốc dự phòng nữa. Tuy nhiên, BS. Hồng Nhung cho biết, dù xét nghiệm cho K=K, nhưng bạn tình của người nhiễm HIV vẫn cảm thấy chưa yên tâm thì Trung tâm sẽ tiếp tục cấp thuốc cho họ sử dụng.

Cần ứng phó kịp thời với những làn sóng ngầm

Do Bình Dương có xu hướng gia tăng người nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao là MSM, nên địa phương hiện đang tập trung đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại. Trong đó, bao gồm cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), triển khai chiến dịch K=K (Không phát hiện = Không lây truyền)…

Tuy nhiên, hiện tỉnh Bình Dương đang gặp một số khó khăn như: Nhân lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thiếu, ngày càng cắt giảm. Tuyến huyện/thị xã đa phần cán bộ kiêm nhiệm nhiều chương trình, thường xuyên thay đổi. Số lượng bệnh nhân điều trị ARV ngày càng gia tăng, gây áp lực cho các phòng khám ngoại trú về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm xét nghiệm.

Tình trạng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS còn nhiều nặng nề khiến cho nhiều người giấu bệnh, không tiếp cận xét nghiệm HIV và tiếp cận điều trị sớm ARV. Trong khi đó, việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại các khu công nghiệp không phải là việc dễ làm. Các nhân viên y tế của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương cho biết, đã gặp rất nhiều rào cản về thủ tục hành chính khi cố gắng tiếp cận với các khu công nghiệp. Có công ty thiện chí lắm mới cho nhân viên y tế đến truyền thông khoảng 15 phút, nhưng vào giờ ăn trưa của công nhân. Đa số còn lại từ chối để cho ngành Y tế tiếp cận vì họ sợ ảnh hưởng đến các ngày công của nhân viên và tiến độ công việc. Việc này sẽ khiến cho những cơn sóng ngầm có nguy cơ vỡ, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch gia tăng trong thời gian tới.

Trong khi đó, dự báo trong những năm sắp tới, số người nhiễm HIV là MSM có gốc ngoại tỉnh sẽ tiếp tục tăng trong làn sóng di cư vào các khu công nghiệp, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Với văn hóa cởi mở và dễ hòa nhập, một lượng không nhỏ MSM sẽ chọn Bình Dương làm nơi dừng chân sinh sống, đây là một bài toán khó cho việc kiểm soát, nâng cao nhận thức của nhóm lao động di cư này về kiến thức HIV.

BS. Vương Thế Linh cho hay, giải pháp tình huống trước mắt là các nhân viên y tế tìm đến nơi trọ của công nhân vào lúc họ vừa hết ngày làm việc, phát tờ rơi, hoặc phát loa để truyền thông. Bên cạnh đó, để khắc phục những hạn chế, khó khăn, thời gian tới, địa phương tập trung nâng cao chất lượng y tế, đặc biệt xây dựng các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến HIV thân thiện.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về nguy cơ lây nhiễm và nguy hại của virus HIV trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về HIV cho người nguy cơ cao, các công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và cộng đồng. Từ đó khuyến khích người nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng PrEP.

Đặc biệt, chú trọng các hoạt động của đội ngũ đồng đẳng viên, các tổ chức dựa vào cộng đồng nhằm thu hút người xét nghiệm và tham gia điều trị sớm. Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 3 nhóm tổ chức hoạt động vì cộng đồng (CBO) bao gồm: Nhóm Kết nối trẻ, Trăng khuyết, Ánh dương hoạt động rất tích cực và hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ có đội ngũ này, địa phương đã phát hiện thêm nhiều ca lây nhiễm mới HIV, giúp những người bệnh tiếp cận điều trị sớm với thuốc ARV. Việc này sẽ hỗ trợ Bình Dương tiến gần hơn tới việc đạt được các mục tiêu 90-90-90 và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Nguồn: tiengchuong.vn

http://tiengchuong.vn/Tin-noi-bat-trang-chu/Binh-Duong-Nhung-con-song-ngam-HIV-trong-cac-khu-cong-nghiep/38436.vgp