Bạo lực học đường có mầm mống từ gia đình

Sẽ khó mà tin được, bởi gia đình bao giờ chẳng muốn những điều tốt nhất cho con em mình!

Một đứa trẻ chưa từng bị người thân đánh mắng nhưng phải chứng kiến cảnh “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” giữa hai đấng sinh thành để khẳng định quyền lực hoặc giải quyết mâu thuẫn, hoặc do kém kiểm soát cơn giận sẽ ngộ nhận rằng chỉ những người thân mới có quyền làm đau nhau để “dạy dỗ”, “uốn nắn” cho tiến bộ.

Một đứa trẻ thường phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc từ phụ huynh theo kiểu “thương cho roi cho vọt” kèm lời giáo huấn “cha mẹ có thương thì mới đánh mày, để mai sau nên người” sẽ bị định hướng rằng mình có lỗi thì phải bị đòn và dễ chấp nhận bị người khác bạo hành tương tự.

Nhất là đứa trẻ bị gia đình đánh mà không cho la khóc hoặc bỏ chạy thì sẽ hiểu rằng chỉ khi mình nhận hết hình phạt mới được “xóa nợ”, “đền tội”, “trả giá”, nếu không sẽ bị đánh đau hơn, nhiều hơn, tội chồng lên tội.

Hình ảnh có liên quan

Có em được gia đình “dạy” không nên can bạn đánh nhau kẻo lụy vào thân, thấy chuyện bất công thì lờ đi không tham gia, nếu chẳng may bị gây sự thì nhịn, né, cho qua.

Có đứa trẻ nhìn thái độ trịch thượng, bất chấp, khinh khi, thương hại, rẻ rúng của cha mẹ đối với những người khó khăn, yếu thế, kém cỏi, nghèo hèn, hoặc chính mình bị mỉa mai là “đần độn”, “vô tích sự” sẽ tự rút ra kết luận rằng xấu xí và dốt nát thì không đáng được yêu thương tôn trọng.

Có em thấy người nhà kể chuyện, bình luận, chửi bới xã hội bất công, ỷ giàu có, chuyên giải quyết mọi sự bằng tiền, đã tin vào luật ngầm “nén bạc đâm toạc tờ giấy” nên không còn tin vào công lý, lẽ phải, trung thực.

Gia đình bất hòa, mâu thuẫn khiến các em lớn lên trong sợ hãi, trầm cảm, có hành động ngông cuồng, quậy phá, hư hỏng, nổi loạn, phạm pháp…

Nhiều gia đình không kiểm soát con tiếp cận các ấn phẩm báo chí, sách, truyện tranh, video clip, hình ảnh mang tính bạo lực. Buông lỏng quản lý việc con em sử dụng internet, tạo cơ hội cho chúng chịu ảnh hưởng từ phim ảnh, games có tính bạo lực trên mạng xã hội (77% trò chơi là đánh nhau, giết người).

Kết quả hình ảnh cho bao lực học đường hiện nay

 

Muôn mặt của bạo lực học đường

Bạo lực học đường là những thái độ, hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học (theo Wikipedia).

Bao gồm: bạo lực tinh thần (tẩy chay, cô lập, chế giễu, nói xấu những đứa trẻ hiền lành, cô độc, gia cảnh khó khăn, có hình thức “không giống ai”, có cử chỉ, lời nói vụng về gây sự chú ý của người khác); bạo lực thể chất (cố ý sử dụng vũ lực hoặc quyền lực giữa học sinh với nhau, thậm chí cả với giáo viên, đánh nhau dẫn đến thương tích, bodyshaming. Không chỉ rơi vào các nạn nhân ít bạn, yếu đuối, gầy gò, dễ thua cuộc, cam chịu, có cố tật mà còn giữa các băng nhóm với nhau); bạo lực tình dục (quấy rối, kỳ thị, lạm dụng tình dục…); bạo lực trí tuệ(trẻ học lực yếu, trí nhớ kém, khó tiếp thu, không hoàn thành bài tập đơn giản bị những bạn thuộc tốp thông minh khống chế, hành hạ, chơi khăm làm cho xấu hổ, bẽ mặt, để lại những hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng lâu dài đến lòng tự tôn của mình). Một dạng bạo lực học đường kiểu mới là cố ý lạm dụng những tính năng của mạng xã hội để tra tấn, làm nhục nhân phẩm người khác, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí đến tính mạng.

Kết quả hình ảnh cho bao lực học đường hiện nay

 

Sức mạnh của gia đình

Trong gia đình, cha mẹ cần có mối quan hệ tin cậy, bình đẳng, lắng nghe tâm sự của con và có cách dạy con hợp lý. Ngừng gieo rắc những hạt giống bạo lực hoặc thờ ơ vào “tâm điền” của con cái theo những cách như đã phân tích ở trên.

Vun bồi cho con kỹ năng xã hội (còn gọi là kỹ năng sống), để khi bị bắt nạt, trẻ biết cách dùng lời nói, hành động tự bảo vệ mình và kêu gọi sự giúp đỡ từ thầy cô bạn học, biết trình báo với cơ quan pháp luật mà không sợ bị trả thù. Mặt khác, kỹ năng xã hội giúp trẻ ứng xử bình thường trong môi trường tập thể, không gây sự chú ý hay chế giễu của các học sinh khác.

Cha mẹ cần quan tâm tới các mối quan hệ bạn bè của con, nhưng đừng quản lý, giám sát con quá khắt khe làm con có cảm giác bị trói buộc và không thể chia sẻ cùng cha mẹ. Tìm cho con những người bạn đáng tin cậy.

Khi phát hiện con em mình bị bắt nạt hoặc là kẻ đi bắt nạt, cần có thái độ bình tĩnh, ân cần chỉ bảo giúp trẻ nhận ra hành vi lệch chuẩn của mình để thay đổi tích cực. Không bênh con chằm chặp. Nên gặp gỡ thầy cô chủ nhiệm, giám thị và cả phụ huynh của học sinh kia để tìm cách tháo gỡ, hòa giải. Nếu vụ việc vượt quá tầm kiểm soát, phải liên hệ nhà chuyên môn.

 

Ths – Bs LAN HẢI

Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn