Bạn chỉ có một đời để sống

Mỗi người chúng ta ai cũng có một cuộc đời để sống, nó bắt đầu từ khi chúng ta được sinh ra, cho đến khi từ giã cõi đời. Trước khi đến sân ga cuối trong chuyến xe cuộc đời đó, chúng ta còn có những chặng dừng giữa các ga. Tùy theo cách mà chúng ta chọn lựa, cách chúng ta dành thời gian của cuộc đời cho điều gì, cách mà chúng ta ra quyết định trong đời… sẽ cho kết quả chất lượng cuộc sống của chúng ta như thế nào?

Nếu chúng ta dành phần lớn thời gian của mình cho công việc, cho phát triển sự nghiệp, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ các dịp có mặt trong những khoảnh khắc quý giá của cuộc đời, với người thương, với bạn bè, với thiên nhiên, với thế giới… Làm cho bản thân ta không có cơ hội thưởng thức cuộc sống một cách sâu sắc, trọn vẹn, đủ đầy… Người không có thời gian cho người thân, người thương… sớm muộn gì cũng phải dành thời gian để cô độc.

Tôi có người bạn, cả đời lao vào làm việc, lạ một điều là anh làm việc không chỉ để kiếm tiền, mà làm việc với niềm đam mê bất tận, cho một lý tưởng lớn lao… Những ngày qua, khi đã nằm trên giường bệnh, anh vẫn không dừng việc đọc tài liệu, hoặc bàn bạc chuyện công việc giữa hai đợt vô hóa chất hay chờ ca phẫu thuật. Nhưng, theo quan sát của tôi, đó chính là những ngày tháng anh cảm nghiệm sự cô đơn, trống vắng và tủi thân nhất, một cảm giác vô cùng bất lực! Anh chưa sẵn sàng cho một cuộc ra đi.

Nếu chúng ta chẳng bao giờ dành thời gian cho tập luyện thể thao, cho sự học hỏi để hiểu biết về chế độ dinh dưỡng, các kiến thức kỹ năng chăm sóc sức khỏe, rèn luyện cơ thể để kéo dài tuổi thọ… thì bệnh tật sẽ kéo đến âm thầm không báo trước. Ai không có thời gian cho vận động, sớm muộn gì cũng phải dành thời gian để giảm cân, để đi bệnh viện, để thường xuyên thăm bác sĩ… Người không có thời gian nghỉ ngơi, sớm muộn gì cũng phải dành thời gian để chữa bệnh…

Tuần rồi, tôi vừa viết và đọc điếu văn tiễn đưa một người bạn đi xa, chuyến đi dài vô tận, đó là một cuộc đời “hoành tráng, hào hùng”. Những ngày còn sống, bạn là người chu toàn cho tất cả, chăm sóc người này, quan tâm người nọ, vừa giỏi giang thông thái, vừa ngoại giao tuyệt vời. Cho nên hành trình cuộc đời bạn hầu như chưa chuẩn bị cho điểm kết thúc đột ngột như vậy. Tôi vẫn còn ám ảnh ánh mắt thảng thốt, không cam tâm lìa bỏ cõi đời của bạn. Ánh mắt níu kéo ấy như muốn nói rằng, còn quá nhiều dự định bạn chưa làm xong, quá nhiều hoài bão bạn chưa hoàn tất…

Cho nên ai cũng có một quỹ thời gian giới hạn, là chiều dài của cuộc đời mình, nếu bạn không có một chiến lược sống cho bản thân, thì sẽ rơi vào hối tiếc cho cái chiều dài phung phí ấy, bạn chưa kịp làm gì, thì đã đến hồi kết thúc. Có muốn giơ tay phát biểu xin thêm cũng không ai duyệt. Chưa nói đến cái chiều sâu của đời sống mà vì vội vã lướt qua, bạn đã không kịp nếm trải, hay tận hưởng cho bản thân, không kịp ăn mừng cho những thành tựu, hay cảm nhận một cách sâu sắc những dư vị của cuộc sống. Có những ân tình chưa kịp biết ơn, những con người thú vị với những câu chuyện chạm sâu vào trái tim, mà bạn chưa kịp ngẫm, chưa kịp cầm tay, nói lời chia biệt.

Vậy thì, nếu bạn coi trọng những việc đang làm, những điều đang trăn trở, những người bạn yêu thương tha thiết, thì hãy lưu tâm đến cái chiều dài đời sống của mình, bằng cách dành thời gian cho buổi thể dục mỗi sớm mai thức dậy, lắng nghe nhịp đập trái tim mình mỗi đêm khi vào giường, biết mình đang thở sâu hay cạn, chỉ số đường huyết của mình cao hay thấp, chỉ số huyết áp mỗi ngày có nhảy lambada không, mình đang bỏ cái gì vào miệng mỗi ngày…

Nếu bạn muốn khám phá chiều sâu của cuộc đời, bạn phải biết mình đang vui hay buồn, vì sao? Bạn phải có khả năng lặn sâu vào những ngóc ngách tinh tế của cảm xúc bản thân, cảm nhận nó, thấu hiểu nó, xoa dịu và chữa lành nó. Làm cho nó được tư do, giải thoát khỏi sự dồn nén, đố kỵ, buồn giận, oán hờn, trách móc, hối tiếc… mang đến sự tươi mới, trong trẻo, tràn đầy năng lượng tích cực và an nhiên.

Tất cả chúng ta đều biết, mỗi người đều sẽ trải qua “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”. Nhưng ngày nay, chúng ta cũng thấy, mộ bia trong nghĩa trang không chỉ dành cho người già và hành lang bệnh viện không còn chổ nằm cho những bệnh nhân còn rất trẻ…

Bạn chỉ có một cuộc đời để sống, vậy bạn muốn sống cuộc đời dài hay ngắn, nông cạn hay sâu sắc, thú vị hay nhàm chán, đều do cách bạn hành xử với bản thân, thói quen tập luyện, ý thức giữ gìn sức khỏe, và mức độ nhận thức của bạn về chính mình, về người khác và về cuộc đời!

ThS Tâm lý Nguyễn Thị Tâm

Công ty Tâm lý Hồn Việt

Nguồn: .tcsuckhoe.com