bà nội trợ và Muôn kiểu đối phó với bụi mịn

Khi những cảnh báo về chỉ số hạt bụi siêu mịn trong không khí ở các thành phố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, dường như ngay lập tức những bà nội trợ buộc phải “truy lùng” các giải pháp để bảo vệ sức khỏe của bản thân và các thành viên khác trong gia đình.

 

Chuyện mua sắm

Ngay sau những thông tin về ô nhiễm không khí báo động, chị Trần Thị Phương (Q.Thủ Ðức, TPHCM) đã trang bị thêm thiết bị lọc không khí cho căn hộ của mình, đồng thời sắm thêm 4 cái khẩu trang loại được quảng cáo có thể lọc bụi mịn. “Tốn gần hết tháng lương của tôi đấy nhưng bây giờ không trang bị thì lo lắng vô cùng vì nhà có con nhỏ. Ngoài ra, cả hai vợ chồng đều đi làm ở quận trung tâm nên mỗi ngày chúng tôi đều phải di chuyển ở ngoài đường rất nhiều”– chị cho biết. Cũng theo chị Phương thì nhiều hộ gia đình khác ở khu chung cư nhà chị cũng đã rục rịch sắm máy lọc không khí khá nhiều.

Rảo quanh các siêu thị điện máy hay một số trang thương mại điện tử cũng có thể thấy không khí mua bán các loại thiết bị lọc không khí sôi động ra sao. Các nhà cung cấp quảng cáo rất nhiều loại máy đủ các kích thước và mức giá cạnh tranh. Tùy vào nhu cầu, diện tích và hầu bao mà mọi người tha hồ chọn lựa. “Các tính năng của máy mà mình quan tâm là lọc được bụi mịn, diệt nấm mốc, khử mùi… Mình vừa đặt mua một cái có hiển thị chất lượng không khí để tiện theo dõi. Mua loại mức giá trung bình cũng đã trên năm triệu đồng rồi đó”, chị Kiều Oanh (Q.12, TP.HCM) chia sẻ. Cũng như mấy chị em khác, chị Oanh quyết chi thêm khoản này cũng vì lo sức khỏe cả nhà. Theo chị, trước nhiều khuyến cáo về ảnh hưởng của bụi mịn, chị cảm thấy không thể không trang bị để bảo vệ chính mình và gia đình.

Ở nhà thì có máy lọc không khí, thế còn khi ra đường phải tính kế gì bảo vệ? Câu trả lời là buộc phải dùng khẩu trang, nước nhỏ mắt, mũi, kính mát, áo khoác… Nếu trước đây chỉ cần các loại khẩu trang thường, bây giờ mọi người buộc phải quan tâm hơn đến các nhãn hàng khẩu trang chuyên dụng hơn. “Người ta quảng cáo nhiều loại khẩu trang lắm mà mình thật sự không biết có nên tin hay không trong khi giá rao bán đến mấy trăm ngàn một cái. Cho nên tôi quyết định tìm mua khẩu trang được sản xuất dùng cho bảo hộ lao động vì loại này chống bụi khá tốt”, chị Nguyễn Thị Cẩm, một nhân viên văn phòng cho hay. Chị Cẩm còn cẩn thận mua thêm nước nhỏ mắt mũi, nước biển sâu để làm sạch. “Tôi vốn hay bị viêm mũi dị ứng nên khi không khí ô nhiễm, bụi mịn nhiều như vừa rồi thì biết liền. Hắt hơi, nhảy mũi, cay mắt…vô cùng khó chịu nên phải tìm hiểu mà trang bị đỡ chút nào hay chút đó thôi”, chị nói.

Không chỉ có máy lọc, khẩu trang hay thuốc rửa mắt mũi, nhiều chị em còn quan tâm đến các loại mỹ phẩm, sữa tắm gội…được quảng cáo loại bỏ được bụi mịn. Ðánh vào tâm lý này, nhiều hãng đẩy mạnh quảng cáo ngay sản phẩm mới tăng cường khả năng làm sạch bụi, ô nhiễm…

 

Và trăm cách đối phó

Chuyện sắm sửa rôm rả bao nhiêu thì những góp ý, bàn tán, chia sẻ về cách đối phó với ô nhiễm bụi mịn cũng sôi nổi bấy nhiêu. Theo đó, có cả hàng chục cách được truyền tai nhau thực hiện.

Ðầu tiên là tải các app để theo dõi chất lượng không khí trên điện thoại, như lời chị Bích Hương (Q.2, TPHCM): “App có hiển thị nồng độ bụi PM2.5 nên mình cứ theo dõi cho kỹ để biết đường chuẩn bị. Khẩu trang, che bịt các kiểu luôn sẵn sàng, về nhà là lo tắm rửa liền cho chắc. Con nhỏ có thể cho nghỉ ở nhà nếu thấy báo động ô nhiễm cao quá…”. Hầu như người nhà và bạn bè thân thiết của chị Hương đều đã tải và chia sẻ các ứng dụng theo dõi không khí như vậy.

Ðeo khẩu trang là điều tất yếu khi ra đường nhưng phải là loại đạt tiêu chuẩn chất lượng do cơ quan chức năng chứng nhận (giúp cản bụi mịn), khẩu trang phải ôm kín mặt, có gọng mũi và van thở lọc một chiều khi ra đường. Nếu không có khẩu trang đạt tiêu chuẩn, có thể sử dụng 2 khẩu trang y tế lồng vào nhau để tăng hiệu quả tránh bụi… Ðó cũng là những bí kíp các bà các chị chia sẻ nhắc nhở nhau. Riêng về máy lọc không khí, ngoài chọn mua theo thương hiệu, chị em còn mách nhau cần chú trọng chức năng, chẳng hạn máy cần có bộ lọc đầy đủ gồm có 3 màng lọc: lọc thô – lọc bụi lớn, phấn hoa…; màng thứ hai – cũng là lớp quan trọng nhất – lọc bụi mịn (bụi PM2.5) thường là loại lọc chuẩn HEPA; màng thứ ba thường là carbon hoạt tính giúp hấp thụ mùi, vi khuẩn gây hại, nấm mốc…

Trang bị là một chuyện nhưng nắm thêm kiến thức cần thiết để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình cũng là mối bận tâm của bà nội trợ. Có chị rất chú ý đọc các bài viết tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia môi trường; có người thì rất quan tâm đến chuyện vệ sinh nhà cửa, trồng thêm nhiều cây xanh xung quanh và trong nhà để làm giảm thiểu các chất ô nhiễm…

Dù đã quen với khói bụi thành phố nhưng khi tình trạng bụi mịn ngày càng tăng cao và đe dọa đến sức khỏe con người trong khi chưa có hướng dẫn hay giải pháp nào chung cho cộng đồng thì ở ngay mỗi gia đình, nhiều người buộc phải tự mày mò tìm cách tự bảo vệ sức khỏe.

Nguồn: cgvdt.vn

http://www.cgvdt.vn/xa-hoi/ba-noi-tro-va-muon-kieu-doi-pho-voi-bui-min_a10127